Thêm ba Luật mới có hiệu lực từ năm 2011

Hôm qua (16/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. 3 Luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.

2 lựa chọn cho người dân khi giải quyết tố tụng hành chính

Về việc ban hành Luật Tố tụng hành chính lần này, ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, sau 14 năm thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước và công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính thời gian qua cho thấy các quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, mâu thuẫn, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng…

Với tính chất đặc thù của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính giữa một bên là cá nhân, tổ chức với bên kia là cơ quan nhà nước thì việc ban hành Luật Tố tụng hành chính góp phần bảo vệ quyền và lợi ích đáng của người dân là hết sức cần thiết.

Toàn cảnh cuộc họp báo

Toàn cảnh cuộc họp báo

Một trong những nội dung lớn của Luật là quy định việc cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại tại cơ quan hành chính về quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính nhưng không đồng ý với cách giải quyết đó hoặc đã hết thời hiệu khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.

Quy định như vậy nhằm dành cho người khởi kiện quyền tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.

“Quy định này là điểm mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở nước ta theo tinh thần tạo điều kiện cho người dân tham gia tố tụng”, Phó chánh án Tưởng Duy Lượng nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhằm khắc phục, hạn chế những sai lầm trong xét xử, Luật quy định những đổi mới căn bản của quy định pháp luật về tố tụng hành chính hiện nay. Đó là việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao tự xem xét lại quyết định của mình khi có căn cứ xác định có sai lầm trong bản án, quyết định hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu thuộc trong các trường hợp: theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo quy định, Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.

Cũng trong buổi họp báo hôm nay, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã công bố Nghị quyết số 56/2010/QH12 về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính.

Theo đó, Nghị quyết quy định cụ thể những thủ tục liên quan trực tiếp đến thời gian, trình tự giải quyết các quyết định, bản án hành chính trước và sau khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành.

Quy định về thanh tra chuyên ngành và kiểm soát “hậu thanh tra”

Đây là hai điểm sửa đổi lớn của Luật Thanh tra sửa đổi lần này. Theo đó, Luật quy định các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm có cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện) và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Việc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định, theo đề nghị của Tổng Thanh tra sau khi thống nhất với Bộ trưởng ngành đó.

Đặc biệt, cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Cục và Chi cục thuộc Sở ) không được thành lập cơ quan thanh tra độc lập mà hoạt động do người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định có liên quan. Khi tiến hành thanh tra, thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính.

Một trong những vấn đề làm “đau đầu” cơ quan thanh tra là lâu nay chưa có cơ chế “hậu kiểm” việc chấp hành của các đối tượng bị thanh tra với các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra. Do đó, Luật này đã quy định xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Trả lời phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề này, ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, đây chính là điều kiện cần thiết để đôn đốc việc thực thi các kết luận, quyết định của cơ quan thanh tra, hạn chế tình trạng các kiến nghị, kết luận sau thanh tra thực hiện không đầy đủ, kịp thời, đùn đẩy hoặc im lặng như trước đây.

Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà đối tượng trên sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.

Năm 2011: Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cùng một ngày

Theo ông Nguyễn Văn Bính, Phó ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) trong cùng một ngày là cần thiết.

Vì vậy, để chuẩn bị cho quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử chung thì một số quy định cụ thể của từng luật bầu cử cần phải được sửa đổi để có thể giải quyết các vướng mắc có thể xảy ra trên thực tế.

“Lần sửa đổi này chỉ tập trung vào một số vấn đề thực sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử”, ông Nguyễn Văn Bính cho hay.

Các sửa đổi được bổ sung lần này như quy định về khu vực bỏ phiếu và số lượng cử tri mỗi khu vực; về các tổ chức phụ trách bầu cử; về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; thời gian bầu cử; trường hợp hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Trước đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Viên chức, Luật Khoáng sản sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast