Thủ tướng chỉ đạo bám sát tình hình Biển Đông, dự báo mọi tình huống

Phiên họp thường kỳ tháng 6 của chính phủ đã đánh giá các nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc thời gian tới.

Trong 2 ngày 30/6 và hôm nay (1/7), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với lãnh đạo tất cả các địa phương nhằm đánh giá tình hình KTXH 6 tháng đầu năm, đồng thời xác định các biện pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhất quán trong 6 tháng cuối năm nay. Chính phủ và các địa phương nhất trí cùng nỗ lực cao nhất để thực hiện đồng thời 3 mục tiêu trọng tâm, vừa bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia; vừa bằng các biện pháp phù hợp để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh trật tự; vừa bằng mọi biện pháp thực hiện cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu phát triển KTXH đã đề ra từ đầu năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ (Ảnh: Thành Chung)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ (Ảnh: Thành Chung)

22 ý kiến từ các địa phương cùng ý kiến của các thành viên Chính phủ và các tổ chức, đoàn thể phát biểu tại phiên họp đã khái quát bức tranh toàn cảnh nền kinh tế từ đầu năm đến nay với nhiều kết quả cụ thể, tích cực và khá toàn diện gắn với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng thấp nhất so với cùng kỳ 13 năm qua; nông nghiệp tăng trưởng mạnh, nhất là lúa gạo tăng hơn 800.000 tấn; thu ngân sách tăng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,18%, đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ 2 năm trước…

Trên cơ sở này, nhiều địa phương đề nghị Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu KTXH đã đề ra từ đầu năm gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, không để lệ thuộc vào một thị trường nhất định nào; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn; đảm bảo nguồn lực để xây dựng nhà chống lũ; cải thiện môi trường đầu tư và kịp thời giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng tình với ý kiến của một số địa phương có nhiều tuyến đảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc kiến nghị: “Chính phủ cần có cơ chế quan tâm đầu tư cho hệ thống tuyến đảo, trong đó phía Bắc có Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn, Hải Hà… trên tất cả các lĩnh vực từ đầu tư hạ tầng dân sinh, quốc phòng an ninh, dịch vụ nghề cá, đến bến neo đậu chống bão, thậm chí đưa khách du lịch ra các tuyến đảo vừa tuyên truyền, vừa khẳng định chủ quyền quốc gia…”

Liên quan đến tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các địa phương ủng hộ chủ trương nhất quán và các biện pháp quyết liệt đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của Đảng, Nhà nước cũng như quan điểm của Chính phủ và các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nảy sinh, đảm bảo an ninh, trật tự và môi trường đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông khẳng định: “Quan hệ giữa Hà Giang với các tỉnh giáp biên của Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Hơn 277 km đường biên nhưng tình hình ổn định. Đảng bộ, cán bộ và nhân dân tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối các giải pháp đấu tranh của Đảng, Nhà nước đối với tình hình Biển Đông.”

Các ý kiến tại phiên họp cũng đề xuất nhiều giải pháp chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc; đồng thời đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép phù hợp với điều kiện và thói quen đánh bắt; tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển…

Các thành viên Chính phủ cũng giải đáp nhiều kiến nghị của các địa phương gắn với quán triệt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới liên quan đến quản lý thuốc bảo vệ thực vật; quản lý và giám sát chặt chẽ giá sữa; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, nhất là cơ chế làm nhà ở cho công nhân lao động; mở rộng đối tượng ưu tiên được vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu thực tiễn; nâng cao năng lực và trách nhiệm của các ngành trong đầu tư xây dựng cơ bản; triển khai Luật đất đai sửa đổi; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia.v.v...

(Ảnh: Thành Chung)

(Ảnh: Thành Chung)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là các tác động xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tình hình KTXH 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt được nhiều chuyển biến tích cực, khả quan và đúng hướng. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng ngày càng được nâng cao gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế Việt Nam đang đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia được triển khai đồng bộ, kịp thời, kiên quyết và nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.v.v…

Trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới và trước việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương bám sát tình hình, dự báo mọi tình huống trên tất cả các lĩnh vực để chủ động tính toán các biện pháp, phương án cụ thể ứng phó, xử lý kịp thời và hiệu quả trong bất cứ tình huống nào.

Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu cao nhất mà Chính phủ quyết tâm thực hiện: “Một là chúng ta phải tập trung sức cao nhất, nỗ lực cao nhất bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền, đây là mục tiêu rất là thiêng liêng, phải làm và làm cật lực. Tùy theo chức năng nhiệm vụ, từ Thủ tướng, các phó Thủ tướng đến các bộ trưởng và các ngành kinh tế phải coi đây là một nhiệm vụ phải tập trung cao. Thứ hai là phải đảm bảo được an ninh chính trị, trật tự an toàn của đất nước, dứt khoát không để lặp lại tình trạng như vừa rồi, hoàn toàn chúng ta làm được, đề nghị Bộ Công an chịu trách nhiệm việc này phối hợp với Bộ Quốc phòng. Mục tiêu thứ 3, chúng ta nhất trí quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu tăng trưởng đề ra 5,8% trong năm nay….”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đang tiến hành nhiều biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đẩy nhanh tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và xuyên quốc gia, đồng thời tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào để không lệ thuộc vào một thị trường nào. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với cải cách hành chính, thu hút đầu tư; kiên trì cơ chế giá theo thị trường, nhất là giá than, điện, xăng dầu…, đồng thời có cơ chế điều tiết nhằm đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục dồn sức tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà trước hết là tập trung tăng tổng cầu nền kinh tế, nhất là tập trung đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; phát huy hiệu quả quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp; tiếp tục giảm lãi suất và tạo thuận lợi về thủ tục tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp; kiên quyết đấu tranh với buôn lậu và gian lận thương mại.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; dứt khoát cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 3 biện pháp lớn: “Giải pháp thứ nhất là phải đưa khoa học công nghệ vào, không ứng dụng khoa học công nghệ thì không có tái cơ cấu nông nghiệp được đâu, từ giống cho đến quy trình canh tác…Thứ hai là phải tổ chức quan hệ sản xuất mới, liên kết hợp tác kiểu mới đầu vào, đầu ra, người sản xuất, người nông dân, người nuôi trồng gắn với doanh nghiệp đầu vào, gắn với doanh nghiệp đầu ra nếu không là người nông dân từ nuôi đến trồng đều thiệt hết. Thứ ba là đưa doanh nghiệp về nông thôn, về đầu tư ở địa bàn nông thôn, vừa phục vụ cho nông nghiệp, vừa phục vụ công nghiệp và dịch vụ, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo, hết sức chú ý đồng bào vùng dân tộc và vùng thiên tai; bổ sung các cơ chế, chính sách để phát triển mạnh nhà ở xã hội; giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải các bệnh viện và tăng cương phòng chống dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh…

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm công tác phòng chống bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các lĩnh vực, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Với quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương đặc biệt chú ý hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu quyết liệt, sâu sát và phù hợp với thực tiễn. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến tại phiên họp để đưa vào Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời gửi kiến nghị của các địa phương tới các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp xử lý, còn Thủ tướng Chính phủ sẽ xử lý các lĩnh vực thuộc thẩm quyền…./.

Nguồn: Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast