Tinh giản biên chế, BOT tiếp tục vào họp báo Chính phủ

Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung BOT trong thời gian vừa qua...

tinh gian bien che bot tiep tuc vao hop bao chinh phu

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ chiều 1/12.

"Trong thời gian tạm đóng trạm BOT Cai Lậy hồi tháng 8/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai. Những vụ việc tranh cãi, phản đối gây ùn tắc vừa qua chúng tôi sẽ không để tình trạng này kéo dài".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật trước chất vấn của báo giới về những lùm xùm, thiếu minh bạch xung quanh các dự án BOT trên cả nước thời gian qua.

Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh kiểm tra về BOT

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 1/12, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, đối với các dự án BOT trên cả nước, trong đó có BOT Cai Lậy (Tiền Giang), thời gian qua Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này; Bộ sẽ tổng hợp toàn diện mặt được, chưa được để trình lên Thủ tướng.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, theo quy định các trạm ách tắc quá 500 m thì phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không để thời gian kéo dài.

Tuy nhiên, ông Nhật cho rằng, vừa qua tại trạm Cai Lậy cũng có một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí tại trạm này, đánh xe tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại... thì dư luận không nên ủng hộ.

"Việc đặt vị trí trạm thu phí Cai Lậy là nằm trong dự án chứ không nằm ngoài. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang và có chính sách để thuyết phục người dân thực hiện đúng quy định", ông Nhật khẳng định.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

Sáng 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.

Tuy nhiên, chưa tròn một ngày đêm qua, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả trạm do ùn tắc.

Hầu hết tài xế và người dân nơi đây cho rằng, không chạy tuyến tránh nhưng vẫn phải đóng phí. Nguyện vọng của người dân là trạm thu phí này cần phải được di dời vào đúng vị trí là tuyến đường tránh.

Đã giảm được gần 3% biên chế

Cũng tại cuộc họp báo, trao đổi với báo chí về nội dung "liệu chúng ta đã thất bại trước kế hoạch cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế" khi 2 năm thực hiện tinh giản nhưng biên chế lại tăng 96.000 biên chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, về cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế, theo chương trình Nghị quyết 30C của Chính phủ có 6 nội dung: Cải cách thể chế, bộ máy tổ chức, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính.

Trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 đã đánh giá toàn diện, cụ thể và chỉ ra nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, cũng như hướng khắc phục.

Theo quy định hiện nay Bộ Chính trị quản lý toàn bộ tổ chức về biên chế trong hệ thống chính trị gồm cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, kể là lực lượng không chuyên trách.

Thực tế thời gian qua có nhiều cơ quan quản lý biên chế như Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, riêng Chính phủ chịu trách nhiệm giao biên chế từ Trung ương đến địa phương trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế. Kết quả trong hai năm 2016 - 2017 chúng ta đã tiết giảm được 2,9%. Riêng thực hiện Nghị quyết 39 đã giảm được trên 32.000 người.

Sắp tới thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19, đặc biệt là những vấn đề cần làm ngay như sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, sắp xếp tổ chức ở xã, tổ dân phố thì khả năng đạt được theo mục tiêu trong Nghị quyết rất cao.

Theo VnEconomy

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast