Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long...

(Baohatinh.vn) - Tôi trở lại đất nước Lào khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xối xả, nhất là về đêm. Bên kia đỉnh Keo Nưa là “nắng đốt”, bên này là “mưa quây”. Dù vậy, vẫn còn những buổi nắng nhàn nhạt để tôi kịp dạo khắp thành phố Viên Chăn và cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của Thủ đô nước bạn sau 6 năm trở lại..

Sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn, phồn hoa hơn, song Viên Chăn vẫn hội tụ đầy đủ bản sắc của đất nước Triệu Voi. Điều đặc biệt hơn cả mà tôi cảm nhận được là nghĩa tình hai nước Việt - Lào vẫn đằm thắm, sâu sắc qua những cuộc gặp gỡ với những người bạn Lào thân thiết.

tinh sau hon nuoc hong ha cuu long

Đường phố thủ đô Viên Chăn

Ngày đầu tiên, chúng tôi có buổi làm việc với các đồng nghiệp ở Báo Paxason (Báo Nhân Dân). Ở Viên Chăn, ngoài tờ báo của Trung ương Đảng nhân dân Cách mạng Lào, còn có Báo Pa Thét Paxason (Quân đội Nhân Dân), báo của Thủ đô Viên Chăn, Thời báo Viên Chăn (Time Viên Chăn). Nhìn chung, các báo chủ yếu phát triển mạnh về báo in, báo điện tử cũng có nhưng ít được người xem chú ý.

Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm tòa soạn, xem quy trình sản xuất, chị Panee Manithip, Phó Tổng biên tập Báo Paxason mời tôi vào phòng riêng. Căn phòng nhỏ có nhiều ảnh và một tủ sách. Chị đưa tôi xem cuốn sách viết về Bác Hồ bằng tiếng Lào và những bức ảnh chị chụp cùng đồng nghiệp ở Việt Nam.

Tôi nhắc với chị về tên tuổi và chiến công của Anh hùng Lê Thiệu Huy - Tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào hy sinh trên dòng sông Mê Kông trong chuyến tháp tùng để bảo vệ Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, chị nói ngay: “Tôi biết, trận đó diễn ra ở Thà Khẹc, nhưng người chiến sĩ ấy tôi không biết là quê ở đâu”.

tinh sau hon nuoc hong ha cuu long

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tham quan Tòa soạn Báo Paxason (Báo Nhân Dân).

“Đó là người con của quê hương Trung Lễ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một người văn võ song toàn, từng được mệnh danh là Thần đồng Đông Dương. Hiện giờ ở thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) và TP Hà Tĩnh có con đường mang tên Anh hùng Lê Thiệu Huy. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã từng viết bức thư cảm ơn gửi gia đình anh. Kỷ niệm 60 năm quan hệ hữu nghị Việt - Lào vừa qua, Truyền hình Việt Nam đã phát bộ phim tài liệu nói về sự kiện này”.

Câu chuyện này một lần nữa cũng được Đại tá Xi Thắt, Trưởng phòng Hậu cần - Công nghệ thông tin Bộ Công an Lào nhắc lại. Với tôi, Xi Thắt là một cuốn từ điển Việt - Lào. Anh không chỉ nói tiếng Việt giỏi và hay mà còn nói về văn hóa Lào, văn hóa Việt một cách sâu sắc.

Anh kể về nhạc sĩ Bouu Pasong Saicakham, người đã từng sống, làm việc ở Hà Nội và sáng tác bài hát “Hà Nội - Viên Chăn” bằng hai thứ tiếng, được rất nhiều người yêu thích. Đêm ấy, trong ánh trăng mờ hiếm hoi của mùa mưa, sau bữa cơm đầm ấm dưới sân nhà của ông bà Thuoxay Duanmathaly, một gia đình Lào từng là chỗ đi về, tá túc của nhiều doanh nhân Hà Tĩnh, Xi Thắt, cũng là em rể của ông bà Thuoxay đã hát say sưa cùng chúng tôi trong tiếng nhạc du dương bài: “Hà Nội - Viên Chăn”, Ô-đuộng Chăm-pa (Hoa đẹp Chăm-pa) “Tình Việt - Lào” (của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới), Lengxabeng (Nông dân - Dân ca Lào)… Giai điệu tha thiết, ca từ sâu sắc của những bài hát cùng tình cảm nồng hậu, chân thành của những người bạn Lào đã khiến tôi trào dâng xúc động. Nó cứ ngân vang mãi trong tôi suốt dọc đường về:

Sáng hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất

Thương nhau vui buồn bên nhau

Tình ta sâu hơn nước Hồng Hà

Tình ta sâu hơn nước Cửu Long.

(Hà Nội - Viên Chăn)

Em ở bên Tây

Anh ở bên Đông

Hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sáng

Đất nước Chăm-pa, đất nước Tiên Rồng

Chung bước đi lên xây đắp mối tình

Tình Việt - Lào anh em mãi mãi không bao giờ phai.

(Tình Việt - Lào)

tinh sau hon nuoc hong ha cuu long

Trung tâm hội nghị quốc gia Lào

Anh Xi Thắt còn cho tôi biết: Mặc dù sự kiện chính của các hoạt động kỷ niệm 60 năm quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào đã kết thúc nhưng dư âm vẫn còn vang vọng. Tới đây, phòng của anh sẽ triển khai một số chương trình, dự án phát triển công nghệ thông tin do các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam tài trợ. Đặc biệt, sẽ có cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Bộ Công an Lào và Bộ Công an Việt Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm hợp tác hữu nghị. Dù anh không kể nhưng tôi biết, để vốn tiếng Việt không bị mai một, hàng ngày, anh vừa xem truyền hình Lào, truyền hình Việt Nam, sử dụng internet bằng cả 2 thứ tiếng.

Gần kết thúc bữa cơm, tôi nhờ Xi Thắt dịch cho ông bà Thuoxay câu nói của chị Bua Khăm - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào: “Không có mối quan hệ nào sâu sắc và có ý nghĩa như Việt Nam - Lào, bởi nó chứa đựng cả máu và nước mắt”. Tôi nói thêm: Còn cả mồ hôi nữa. Bởi thời kỳ máu và nước mắt đã qua rồi, hôm nay đây, những giọt mồ hôi của nhân dân hai nước đã đổ xuống trên đất Lào, để góp phần xây dựng nước Lào tươi đẹp, xây đắp mối tình “Hồng Hà, Cửu Long” bền sâu.

Ngày cuối cùng trước khi rời đất nước Lào, chúng tôi đi thăm lại That Luong, địa chỉ văn hóa tâm linh, biểu tượng của nước Lào tươi đẹp, thăm phố cổ That Luong, chợ That Luong do người Việt Nam đầu tư xây dựng, Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào vừa khánh thành, đưa vào sử dụng. Các công trình mang vẻ kiến trúc hiện đại nhưng vẫn in đậm bản sắc văn hóa Lào với những mái nhọn liền kề.

tinh sau hon nuoc hong ha cuu long
tinh sau hon nuoc hong ha cuu long

Chùa That Luong

Đặc biệt, phố cổ Lào vừa sang trọng, yên bình lại vừa rất quy củ bởi nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu đều có độ cao bằng nhau và kiến trúc cùng một khuôn mẫu. Tất cả đều sạch sẽ và yên bình, trật tự, không chút xô bồ, dù vẫn tấp nập người và xe. Ngày nghỉ, nhiều đoàn học sinh và người dân từ các tỉnh về tham quan That Luong. Tại địa chỉ này, hàng năm vào tháng 10 Lào (tức tháng 9 dương lịch Việt Nam) sẽ có hội Bủn That Luong rất lớn, người dân cả nước đổ về tham gia ngày hội rất đông.

Trưa ấy, tại một quán ăn nhỏ gần nhà làm việc của Quốc hội Lào, chị Bua Khăm đã mời chúng tôi thưởng thức bữa cơm truyền thống với khẩu niêu (xôi) và lạp Sầm Nưa làm bằng thịt bò, lòng bò, lòng lợn cùng món cá nướng. Thấy tôi mải mê ngắm những cô gái Lào của các cơ quan bộ, ban, ngành và Thủ đô Viên Chăn, nhân viên các ngân hàng trong những bộ đồng phục nhã nhặn, sang trọng, đẹp mắt, chị Bua Khăm giải thích: Bên này có quy định, các cán bộ, nhân viên nữ đi làm việc phải mặc váy, đồng phục hay không tùy từng cơ quan, nhưng phần lớn họ mặc đồng phục để vừa đẹp, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa.

tinh sau hon nuoc hong ha cuu long

Phố cổ ở Viên Chăn

Qua quan sát tôi biết, phụ nữ Lào đa phần đã đi làm việc, lễ hội, liên hoan, dù lễ lớn hay nhỏ, kể cả đón bạn quý, họ đều mặc váy và chọn những bộ đẹp nhất. Là đại biểu Quốc hội Lào hai khóa, cũng là người dành hết nghị lực và tâm huyết cho việc xây dựng đất nước Lào tươi đẹp, chị Bua Khăm rất trăn trở với việc gìn giữ bản sắc Lào trong thời đại mới. Với mối tình Việt - Lào anh em, một lần nữa chị nhắc lại với tôi, đó là mối tình keo sơn được xây đắp bằng máu và nước mắt. Các thế hệ người Lào, người Việt phải luôn ghi nhớ điều đó.

Trở về Việt Nam, đi qua những Nậm Ngừm, Nậm Pắckđing, Pacsan, Pắc Xế, nhìn con sông Mê Kông đỏ đậm phù sa, nhìn những cánh đồng lúa ở Na Pê tốt tươi mà Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp dân các bộ tộc Lào sản xuất, tôi càng thấm thía sâu sắc lời nói của Bác Hồ 54 năm trước:

Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Viên Chăn - Hà Tĩnh, tháng 8/2017

Chủ đề 55 năm quan hệ VIỆT - LÀO

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast