Tri ân và nhắc nhớ

Thủ đô Hà Nội được giải phóng vào ngày 10/10/1954 không tách khỏi sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô năm nay, “người anh cả của quân đội ta” không còn nữa, mọi người dân hướng tâm về thủ đô huy hoàng bằng lòng tưởng nhớ và tiếc thương vị tướng đại tài, một nhân sĩ với cái tâm trong sáng và khắc ghi bài học lịch sử của những ngày đầu giành được thủ đô...

Kỷ niệm 59 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2013)

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là đòn quyết định buộc kẻ thù phải chấp nhận thua cuộc trên chiến trường Đông Dương mà quan trọng hơn, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), mở ra một thời kỳ mới: thời kỳ miền Bắc được hòa bình, tiến lên xây dựng CNXH. Điều đó có nghĩa, ngày 10/10/1954 dẫu không đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, song ông chính là người đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi lịch sử của quân và dân ta tại Thủ đô.

Theo Nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Sư đoàn Quân tiên phong làm Chủ tịch - người sau này đã đánh giá về nghệ thuật tổ chức trận đánh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ là “nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Sư đoàn Quân Tiên phong đã được T.Ư Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Việc tiếp quản Thủ đô được tiến hành ngay trong sáng 8/10 và kết thúc vào lúc 15h ngày 10/10 khi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi chuông dài, Ủy ban Quân chính tổ chức lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội và mấy chục vạn nhân dân Hà Nội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Ngày 1/1/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh, T.Ư Đảng, Chính phủ về Thủ đô sau 9 năm xa cách trước sự chào đón của 25 vạn đồng bào thủ đô tại vườn hoa Ba Đình. Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô (năm 2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi đi qua Bắc Giang, thấy làng mạc vắng lặng, chỉ có vài ngọn tre treo cờ đỏ sao vàng. Về tới Hà Nội thì gặp cả rừng hoa và cờ đỏ sao vàng, cứ ngỡ là giấc mơ.

Từ chiến khu, chúng tôi nhận được tin Hà Nội chủ động đứng lên đấu tranh, giành thắng lợi rất nhiều trận chiến ở Nhà máy điện Bờ Hồ, điện Yên Phụ, Sở Lục Bộ... và nhiều khu vực quân sự của quân Pháp. Sau khi giặc rút, các đồng chí còn giữ vững điện, nước, giao thông liên lạc để đảm bảo đời sống nhân dân khi ta vào tiếp quản. Mấy lần gặp các đồng chí ở Hà Nội, tôi luôn biểu dương tinh thần cách mạng, sáng tạo của người dân thủ đô”.

Tiếng súng đã ngừng theo điều khoản ký kết giữa hai bên, song cuộc chiến chống lại kẻ thù luôn là thách thức lớn. Lợi dụng 300 ngày để chuyển quân, chuyển giao, thực dân Pháp phối hợp với đế quốc Mỹ và tay sai phá hoại miền Bắc. Chúng cài gián điệp đốt phá kho tàng, phá hoại các công trình công cộng, các di tích lịch sử văn hóa như chùa Một Cột - cầu Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), chúng thực hiện âm mưu phá hoại các loại máy móc, thiết bị, nhằm làm tê liệt vùng giải phóng. Chúng còn tung tin xuyên tạc, bôi nhọ chế độ miền Bắc, tung tin, bịa đặt để dụ dỗ, cưỡng bức gần 1 triệu đồng bào công giáo di cư vào Nam.

Trước tình hình đó, công nhân và công chức, viên chức nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ quan đã đấu tranh để giữ lại các máy móc thiết bị. Đặc biệt, hàng nghìn cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể quần chúng đã lăn lộn, đi sâu vào từng gia đình ở thành phố, thị xã, nông thôn để vận động quần chúng chống địch cướp phá tài sản, cưỡng ép đồng bào ta vào Nam. Hàng vạn đồng bào chuẩn bị ra đi và hàng nghìn người đã ra đi đấu tranh đòi quay trở lại. Đây thực sự là biểu hiện của chiến tranh nhân dân bên cạnh cách thức “mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Đã 59 năm trôi qua, đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, song những nguy cơ từ bên ngoài vẫn luôn thường trực. Kẻ thù vẫn nấp dưới nhiều danh nghĩa để can thiệp vào chuyện nội bộ của nước ta. Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô năm nay là dấu mốc quan trọng để mỗi chúng ta vừa tưởng nhớ vị tướng huyền thoại, vừa tiếp tục cảnh giác với nguy cơ xúi giục, xuyên tạc từ bên ngoài, từ đó tạo nền thái bình vững chắc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast