Khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá 14

(Baohatinh.vn) - 9h sáng nay (23/10), Quốc hội khai mạc kỳ họp kéo dài 26 ngày.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIV diễn ra khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, sáng tạo của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, cùng với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nỗ lực của nhân dân, tình hình KT-XH nước ta đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

khai mac ky hop thu tu quoc hoi khoa 14

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Phạm Nghĩa

9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất, xuất khẩu, du lịch đang tiếp tục tăng trưởng. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, đặc biệt với các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017…

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

khai mac ky hop thu tu quoc hoi khoa 14

Ảnh: Phạm Nghĩa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu... Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo.”

Cùng với báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri từ Mặt trận tổ quốc, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tình hình kinh tế-xã hội năm 2017 và kế hoạch năm tới.

khai mac ky hop thu tu quoc hoi khoa 14

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tình hình kinh tế-xã hội năm 2017 và kế hoạch năm tới.

Theo Ủy ban Kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước thực hiện sẽ đạt 6,7%, với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4-7,5%.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa; bên cạnh đó là rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết…

Ngoài ra, yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc về báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán năm 2018. Hai bộ trưởng Văn hóa, Thể thao Du lịch và Công Thương sẽ lần lượt trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Nội dung "nóng" của kỳ họp

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, dự kiến ra nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; cơ chế, chính sách để phát triển TP HCM...

khai mac ky hop thu tu quoc hoi khoa 14

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Phạm Nghĩa

Bên canh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội dành khoảng 15 ngày để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; các báo cáo của ngành tư pháp và báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng...

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; phê chuẩn nhân sự mới thay thế ngay trong tuần làm việc đầu tiên.

Ông Trương Quang Nghĩa đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. Trong khi đó, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ông Phan Văn Sáu đã có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi nhiệm vụ Tổng thanh tra, chuyển công tác khác phù hợp; tuy nhiên hiện chưa rõ ông Phan Văn Sáu sẽ đảm nhiệm vị trí công tác mới nào.

Ngoài nội dung nêu trên, Quốc hội dành thời gian 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

khai mac ky hop thu tu quoc hoi khoa 14

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các vị đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Phạm Nghĩa

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến bố trí 11 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung. Trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là: Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Một số chỉ tiêu dự kiến năm 2018:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5-6,7% so với năm 2017

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2017

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1,0-1,3%; riêng các huyện nghèo giảm 4% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast