Trung thực và trách nhiệm của nhà báo theo tư tưởng tấm gương của Bác

(Baohatinh.vn) - Trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách, giúp con người được tin cậy. Đối với người làm báo cách mạng, trung thực là phẩm chất hàng đầu, từ đó, xác định trách nhiệm và thực hiện tốt yêu cầu, tôn chỉ, mục đích.

Đặng Quốc Vinh - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Bác Hồ nói chuyện với các PV báo chí. Ảnh tư liệu

Bác Hồ nói chuyện với các PV báo chí. Ảnh tư liệu

Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thực mang nội dung đạo đức cao quý của người cộng sản, trung thực luôn gắn với trách nhiệm.

Từ quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Mác, Người cho rằng, biểu hiện của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm, nói và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là sự thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa lí luận và thực tiễn, giữa nguyên lí đạo đức và thực hành đạo đức. Kiên định với những lựa chọn, suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hành nghiêm túc đến mức nghiêm khắc những tiêu chuẩn đạo đức của người cách mạng.

Người là tấm gương sáng về trung thực, trách nhiệm với mình, với người, với công việc và hội tụ đầy đủ trong lẽ sống: phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tất cả những lựa chọn của Người đều thể hiện quan điểm chính tâm, thành ý, từ lối sống giản dị, thanh bạch. Trung thực và trách nhiệm ở Hồ Chí Minh thể hiện trong từng lời nói, việc làm từ nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày đến những việc quốc gia đại sự.

Đối với người làm báo, trước hết, tự bản thân phải khẳng định, trung thực và trách nhiệm là một trong những phẩm chất hàng đầu. Trung thực, trách nhiệm khẳng định lòng tự trọng, nhân cách, bản lĩnh của người làm báo. Trung thực, trách nhiệm là cội rễ của lòng dũng cảm, của tinh thần đấu tranh chống lại cái sai trái, tiêu cực, ủng hộ cái tiến bộ, tích cực, nêu gương những người tốt, việc tốt, phò chính, trừ tà. Lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm sẽ nhân lên phẩm chất đáng quý ở người làm báo đó là tinh thần hăng hái lao động, nhiệt thành cống hiến, thể hiện niềm đam mê với nghề, nói khác hơn, là đam mê khai thác thực tiễn sinh động, nhiều góc khuất trong đời sống và mổ xẻ nó dưới nhãn quan tôn trọng sự thực vì sự ổn định xã hội và lợi ích của quảng đại quần chúng. Một nhà báo trung thực là người dám nói thẳng sự thật trên cơ sở lí luận dẫn đường, cụ thể đó là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn thể hiện trách nhiệm, tính xây dựng trong mỗi bài báo, mỗi lần diễn đạt.

Trong bối cảnh hiện nay, khi truyền thông đa phương tiện phát triển rầm rộ, xuất hiện rất nhiều kênh truyền tin, hơn lúc nào hết, tính trung thực và trách nhiệm của người làm báo càng phải được đề cao. Không chỉ trung thực với thực tiễn, với chính mình, nhà báo còn phải tự gánh vác trách nhiệm đối với xã hội, nhất là trong việc định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, bảo vệ cái đúng, cái đẹp. Để có sự trung thực và trách nhiệm, người làm báo phải xả thân, lăn lộn, say mê tìm hiểu các vỉa tầng cuộc sống muôn màu, nhất là những góc khuất trong đời sống dân sinh. Với ý thức trách nhiệm của người cầm bút, nhà báo phải tìm hiểu, khơi thông những điểm nghẽn ở cơ sở, nhất là việc tiếp cận các chủ trương của cấp trên trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.

PV Báo Hà Tĩnh phỏng vấn Phó Tỉnh trưởng tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan)

PV Báo Hà Tĩnh phỏng vấn Phó Tỉnh trưởng tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan)

Trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm và những lúc gian nguy nhất sau ngày đất nước thống nhất, đội ngũ nhà báo đã thể hiện rõ nét phẩm chất của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Tinh thần, phẩm chất ấy cần được phát huy trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế trên nhiều lĩnh vực, các lực lượng phản động, chống phá cách mạng vẫn tìm cách lật đổ chế độ, đòi đa nguyên, đa đảng, thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình”. Dựa trên lí luận của Đảng, tư tưởng của Hồ Chí Minh, các bài học kinh nghiệm của lịch sử, chân lí của thời đại, các nhà báo phải thể hiện sự kiên trung trong tư tưởng, sắc bén trong lập luận, đập tan các luận điệu sai trái, âm mưu chia rẽ nội bộ, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ. Tinh thần đấu tranh ấy chính là thể hiện sự trung thực và trách nhiệm với lí tưởng mà nhân dân ta đã hy sinh và đang kiên trì theo đuổi. Đối với nhà báo, lúc nào cũng phải tự răn mình, đặt cho mình trọng trách, nghĩa vụ trung thành với Đảng, lợi ích của dân tộc, nhân dân. Mỗi con chữ nơi đầu ngọn bút phải luôn hướng đến điều đó.

Trung thực đối với nhà báo đó là trung thực lắng nghe, phản ánh tiếng nói và khát vọng của người dân. Thực tiễn là thước đo chân lí, bởi vậy, tiếp cận thật sâu sắc, tỉ mỉ về thực tiễn làm nên tính chân thực của lí luận. Đó không chỉ là trung thực với lương tâm mà còn là trách nhiệm góp phần cải tạo xã hội. Tính trung thực và trách nhiệm của nhà báo được thực tiễn sinh động đó là cuộc sống, nhu cầu, hạnh phúc của nhân dân kiểm nghiệm. Người làm báo không trung thực, trách nhiệm sẽ bị chính thực tiễn cuộc sống mà báo chí phản ánh đó đào thải.

Thực hành đạo đức trung thực và trách nhiệm, đối với nhà báo, tư tưởng phải vững vàng và bút pháp phải sắc bén. Bút pháp thể hiện năng lực, bản lĩnh chính trị và quan điểm tư tưởng - thẩm mĩ trong dụng ngôn của người cầm bút. Hiệu quả tác động của bài báo tới công chúng luôn là một cách tổng thể, bởi thế, rèn giũa ngòi bút cũng là một khía cạnh của thực hành phẩm chất trung thực, trách nhiệm. Sinh thời, Bác Hồ cũng luôn tự nhắc mình và nêu thành bài học cho những người cầm bút là: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì và viết như thế nào? Chính những câu hỏi rốt ráo đó đã giúp Người lựa chọn văn phong, ngôn ngữ phù hợp với đối tượng, làm cho người cần tiếp cận thông tin dễ hiểu, dễ đọc. Đối với người dân, ngôn ngữ diễn đạt càng dễ hiểu, phản ánh thực tiễn càng sâu sát thì bài báo càng thu hút. Tất nhiên, cũng có những bài báo, trong những giới hạn nhất định được nhiều người đọc chú ý, nhưng chất lượng bài báo không được những nhà chuyên môn đánh giá cao. Đó là những bài báo mà người làm báo không phát huy hết trách nhiệm, sự trung thực, buông thả ngòi bút chạy theo thị hiếu của một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ. Những dạng bài cố tình giật thông tin, câu khách thực tình đó là những nấm độc tác động rất xấu đến thị hiếu người đọc, tạo nên một xu hướng thiên lệch trong xã hội.

Không chỉ chú trọng những thông tin hay, nhà báo còn cần chú trọng viết những bài viết đẹp, sâu sắc và thuyết phục. Đó là một cách để đội ngũ nhà báo góp phần công sức của mình vào giữ gìn bản sắc văn hóa, sự trong sáng của tiếng Việt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án và các kế hoạch vì mục tiêu đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tất cả được kết tinh trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Những mục tiêu quan trọng này đội ngũ làm báo cần tiếp thu đầy đủ và tập trung tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, góp phần khơi thông các cơ chế, chính sách, sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Thời gian tới, đội ngũ báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh trên các lĩnh vực, tập trung tuyên truyền và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 10, 11 (khóa XI), trong đó có “Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”; đặc biệt, tuyên truyền đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tuyên truyền Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ VI, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Tập trung phản ánh đầy đủ về kết quả thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tiến độ dự án lớn của tỉnh; tuyên truyền về biển, đảo; công tác đối ngoại; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, đặc biệt, tuyên truyền về kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới…

Phản ánh chính xác, kịp thời, đầy đủ những kết quả của Đảng bộ và nhân dân nhằm tạo sự ổn định và phát triển nhanh, bền vững là thể hiện sự trung thực, trách nhiệm của nhà báo hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast