Từ đạo đức cách mạng của Bác nghĩ về trách nhiệm của người cầm bút

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại. Sự nghiệp và tên tuổi của Bác không chỉ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn sống mãi trong lòng nhân dân thế giới. Người không chỉ là lãnh tụ thiên tài, nhà chính trị, quân sự, nhà thơ lỗi lạc, mà Người còn là một nhà báo vĩ đại, một người thầy bậc nhất của báo chí vô sản.

Nghề báo là làm công tác tư tưởng, báo chí của giai cấp vô sản là vũ khí sắc bén, phải phục vụ tôn chỉ, mục đích của giai cấp vô sản. Có bản lĩnh chính trị vững vàng mới có thể suốt đời chung thủy với nghề. Do vậy, điều mà Bác Hồ quan tâm, lo lắng nhất là khuynh hướng chính trị trong mỗi bài, mỗi dòng tin, mỗi tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật. Nhiều lần gặp gỡ với các tòa soạn, Bác Hồ luôn nhắc nhở các nhà báo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, có đạo đức cách mạng mới chịu khó đến với những nơi gian khổ, ác liệt nhất, mới chịu khó học tập để nâng cao nghề nghiệp. Người nói “đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống cũng không phải từ dưới đất mọc lên mà do quá trình rèn luyện”.

PV Báo Hà Tĩnh tác nghiệp tại nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc khắc tên 1.950 anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Bá Tân
PV Báo Hà Tĩnh tác nghiệp tại nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc khắc tên 1.950 anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Bá Tân

Đối với báo chí, Bác luôn tâm niệm và nhắc nhở: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Từ lời dặn dò ân cần của Bác, chúng ta có quyền tự hào, nhiều nhà báo đã dũng cảm chiến đấu, xông pha qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ; không ít những nhà báo như Thâm Tâm, Thôi Hữu, Dương Thị Xuân Quý… đã hy sinh cho Tổ quốc. Nhà báo Phạm Hồ - nguyên là phóng viên Báo Hà Tĩnh, hăm hở lên đường ra mặt trận và đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều nhà báo đã trưởng thành, khẳng định được tên tuổi của mình, được Đảng kính trọng, được nhân dân yêu quý như Thép Mới, Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Hồng Chương, Phan Quang... Chính vì vậy, việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho người làm báo theo lời dạy của Bác Hồ là điều quan trọng nhất.

Nhìn lại thực tế, báo chí trong nước và trong tỉnh hiện nay đang càng ngày càng lớn mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng đội ngũ. Hầu hết các nhà báo đều được đào tạo chính quy, phương tiện tác nghiệp hiện đại hơn nhiều so với trước đây. Đi nhanh, viết nhanh và đưa thông tin nhanh là một ưu điểm rất nổi bật của báo chí trong kỷ nguyên mới.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại là hiện nay, một số nhà báo nhận thức về chính trị còn non yếu, nên động gì viết nấy, thấy gì đưa nấy. Không ít tờ báo do chạy theo số lượng phát hành, lợi ích kinh tế… đã tìm mọi cách để viết những tin bài giật gân, kinh dị, thậm chí sai sự thật để câu khách. Một số nhà báo tự cho mình có “quyền lực thứ tư”, nhũng nhiễu, dọa nạt cơ sở. Cùng một tình tiết nhưng mỗi báo nói một phách và sự nhiễu thông tin này một lần nữa lại cảnh báo về vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Thiếu đạo đức nghề nghiệp sẽ dẫn đến thiếu khách quan, thiếu tôn trọng sự thật trong mỗi bài viết. Có những bài “tô hồng” quá, khiến dư luận bất bình; có những bài phê bình “bôi đen” quá, không mang tính xây dựng, không gây được tác dụng trong phê bình.

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn đang trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp cùng PV Báo Hà Tĩnh
Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn đang trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp cùng PV Báo Hà Tĩnh

Đạo đức cách mạng của Bác Hồ chính là kim chỉ nam cho mọi hành động. Muốn có đạo đức cách mạng phải thấm sâu lời dạy của Người: “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Trước hết, người làm báo phải thực sự yêu nghề, vì yêu nghề mới cảm thấy vui vẻ, hào hứng khi được phân công nhiệm vụ và sẽ tiếp cận được với những việc mình làm, những vấn đề mình cần khai thác. Từ yêu nghề mới có điều kiện để tích lũy vốn sống, chịu khó học hỏi từ sách vở, học từ đồng nghiệp và học trong nhân dân. Xã hội đang ngày càng đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức rộng phải thực sự khách quan và tôn trọng sự thật, không chạy theo cám dỗ vật chất làm nhiễu thông tin. Nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, cây bút phải thực sự là vũ khí sắc bén vì lợi ích của Đảng mình, nhân dân mình và dân tộc mình. Làm tốt những điều này, chúng ta đã thực hiện được những lời Bác Hồ dạy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast