Tự hào 70 năm Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức cuộc tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành và giành thắng lợi. Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có 403 đại biểu, trong đó, Hà Tĩnh có 7 đại biểu trúng cử.

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946 đã mở ra triển vọng huy hoàng của thời kỳ mới; đất nước có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương cơ sở hoàn toàn có đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại; là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được nhân dân giao phó trọng trách quản lý và điều hành đất nước, tổ chức kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Tự hào 70 năm Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ảnh 1

Trong 70 năm qua, đã có 13 nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động. Mặc dù ở mỗi thời kỳ, hoàn cảnh và điều kiện hoạt động khác nhau nhưng Quốc hội đều có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua của Quốc hội Việt Nam, chúng ta thực sự vui mừng và tự hào vì cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, được nhân dân tín nhiệm và đồng tình, ủng hộ. Tính dân chủ và tính đại diện trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được phát huy, nhất là qua các kỳ họp Quốc hội.

Từ Quốc hội khóa I đến khóa XIII có 110 đại biểu hoạt động trong Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và 54 đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ Tĩnh các khóa VI, VII, VIII đã nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri, thường xuyên nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập hiến và lập pháp; công tác giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các đoàn ĐBQH Hà Tĩnh (và Nghệ Tĩnh) qua các thời kỳ đều thường xuyên gắn bó chặt chẽ với nhân dân; tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri; thể hiện tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân thông qua các ĐBQH. Các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người ĐBQH, tham gia đầy đủ các phiên họp của từng kỳ họp; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu tình hình thực tiễn để tích cực chuẩn bị nội dung và tham gia thảo luận, chất vấn tại các phiên họp, kỳ họp, góp phần xứng đáng vào thành công của các kỳ họp.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016), Đoàn ĐBQH đã tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người ĐBQH và đã hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật; tổ chức các đợt lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và ở các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật tham gia. Nhiệm kỳ này, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp 85/94 dự án luật để cụ thể hóa và tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013. Điều đáng nói là nhiều ý kiến của các ĐBQH Hà Tĩnh đã được ban soạn thảo các dự án luật, đề án và các cơ quan liên quan tiếp thu bổ sung vào Hiến pháp và các luật.

Có thể nói, nhiệm vụ nặng nề không kém của Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đó là hoạt động tiếp xúc cử tri - thể hiện rõ nét nhất vai trò cầu nối của cơ quan dân cử. Trước và sau các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh và 13 huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri tại các cơ sở thôn, xóm, xã, phường, thị trấn. Đoàn đã tổng hợp kiến nghị, đề xuất của cử tri theo từng nhóm ý kiến, phân loại theo thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH đã tổ chức 350 cuộc tiếp xúc ở 350 điểm với hơn 525.000 lượt cử tri tham dự. Tại các cuộc tiếp xúc, đã thu nhận được khoảng 5.250 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua phân loại, có 250 ý kiến thuộc thẩm quyền của địa phương. Đoàn đã gửi văn bản đến lãnh đạo tỉnh và thông qua buổi làm việc trước khi tham dự các kỳ họp Quốc hội; có 600 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành đoàn đã tổng hợp kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Điều đáng nói là, phương pháp tổ chức tiếp xúc cử tri không ngừng được đổi mới. Bằng cách xây dựng kế hoạch, bố trí ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cùng tiếp xúc cử tri trong cùng một thời gian, địa điểm, tăng cường tiếp xúc cử tri ở cơ sở thôn, xóm, tránh việc tổ chức hình thức và tiếp xúc với “đại cử tri”, hoạt động tiếp xúc cử tri đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với hoạt động giám sát, công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân cũng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện nề nếp, đúng quy định. Tính từ kỳ họp thứ nhất đến nay, đã tiếp nhận 560 đơn thư, trong đó, đã xem xét và chuyển các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết 320 đơn. Có thể khẳng định, thông qua việc tiếp dân, tiếp nhận và giám sát, theo dõi việc giải quyết đơn như khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần tích cực trong việc đôn đốc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật, quy định các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài và khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

Một trong những hoạt động hiệu quả của Đoàn ĐBQH là thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH và ĐBQH để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010-2015. Cụ thể, trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ 9, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trực tiếp tổ chức, mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng dự hơn 100 cuộc làm việc, gặp gỡ, trao đổi ý kiến với lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tổ chức kinh tế - chính trị, xã hội để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ; kêu gọi đầu tư các chương trình dự án, thu hút các nguồn lực nhằm thúc đẩy tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm. Những hoạt động đó đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Những kết quả đó đã tạo ra thế và lực mới cho Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ mới.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast