Tự hào Việt Nam!

(Baohatinh.vn) - Năm 2015, đất nước, quê hương diễn ra nhiều sự kiện trọng đại: kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm thành lập nước, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Trái tim của hàng chục triệu người dân cả nước cũng như bạn bè yêu quý Việt Nam rộn lên những nhịp đập thiêng liêng, sâu lắng và đầy tự hào.

Tiếp bước vì tương lai huy hoàng của dân tộc Việt Nam. Ảnh: internet

Tiếp bước vì tương lai huy hoàng của dân tộc Việt Nam. Ảnh: internet

Trong những ngày hướng tới các sự kiện ấy, đặc biệt là trong những giờ phút diễn ra lễ hội đầy náo nức và ngập tràn cảm xúc, hàng chục vạn bước chân đã nô nức tiến về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh và hàng chục triệu người đã không rời mắt khỏi màn hình ti vi để được chứng kiến không khí long trọng, hào hùng của buổi lễ và các chương trình nghệ thuật đặc sắc, sôi động, đầy cuốn hút. Già trẻ, trai gái, người có đạo và không có đạo, từ đô thị đến nông thôn cùng chung một niềm tự hào lớn lao, một tình yêu tha thiết với lịch sử đất nước, truyền thống quê hương, với nền văn hóa dân tộc.

Càng tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ, Đại thi hào Nguyễn Du và các danh nhân văn hóa. Giờ phút 21 phát đại bác gầm vang ở Điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long trong đại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước, trái tim tôi như hòa cùng nhịp đập trái tim của hàng chục triệu người. Tâm hồn tôi vỡ òa một niềm hạnh phúc khôn tả, niềm tự hào lớn lao, niềm xúc động nghẹn ngào. Cái riêng hòa vào cái chung, rất rõ rệt và tươi rói. Đúng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Tôi muốn dẫn ra đây một câu chuyện hết sức bình dị: anh Nguyễn Duy Phương, một công nhân lao động từ Hàn Quốc về sống ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Trước lúc diễn ra lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, anh đã đi xem tổng duyệt toàn bộ chương trình vì sợ hôm sau không có chỗ. Đêm hôm sau, anh vẫn đưa 2 con đi với một nguyện vọng: cho các cháu được sống trong cảm xúc của ngày lễ lớn giữa muôn người. Không còn chỗ, bố con anh trở về xem truyền hình trực tiếp nhưng anh và các cháu vẫn rất vui vẻ vì có được cảm giác sống trong ngày hội lớn.

Cũng vì lẽ đó mà dù đã ở tuổi 90, cụ ông Võ Hồng Huy và cụ bà Lê Thị Hược, 2 lão thành cách mạng đã cùng nhau ngồi dưới cái lạnh và lất phất mưa đông để xem trọn chương trình buổi lễ. Tôi biết đó cũng là cảm xúc, tình yêu của rất nhiều người dân Hà Tĩnh trong đêm đại lễ (5/12/2015).

Ngày 30/4 năm nay, chúng tôi ra Hà Nội để thăm các địa chỉ lịch sử văn hóa và được chứng kiến không khí tưng bừng, sắc màu rực rỡ của những hàng cây, con phố. Đặc biệt, đông đảo người dân cả nước cũng đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng Thành Thăng Long, nơi có di tích nhà và hầm D67, trung tâm đầu não của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ huy chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975. Đêm đầu hạ mát mẻ, cả quảng trường và thảm cỏ trước Lăng Bác nườm nượp người. Dòng người ban ngày nối nhau xếp hàng từ 5h sáng tới tận 2h chiều.

Để người dân không phải chờ đến đêm tối, Ban tổ chức đành tạm ngừng dòng người xếp hàng vào buổi chiều để số người buổi sáng và buổi trưa vào hết lượt. Anh Phan Bá Hoàng, nhân viên một Ngân hàng tại Bình Dương vì thế đành lỡ chuyến vào Lăng viếng Bác. “Với tôi, tuy chuyến ra Bắc lần này chưa trọn vẹn nhưng tôi vẫn rất vui vì đến được với thủ đô ngàn năm văn hiến, biết được Nhà hầm D67 và Điện Kính Thiên, chùa Hương Tích và các danh lam thắng cảnh khác của đất nước. Tôi càng thêm yêu quý và tự hào về đất nước Việt Nam, Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu”.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi/ Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể/ Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn (Nguyễn Khoa Điềm). Có người gọi được tên của tình yêu đất nước, cũng có người không thể diễn đạt nổi, chỉ biết rằng, khi một câu dân ca, một giọng ngâm Kiều cất lên, khi mỗi sáng mai ngắm vầng dương mọc hay đến trước một danh thắng và nhất là khi hòa mình vào các sự kiện lớn lao của cả dân tộc, tâm hồn ta xao động, cảm xúc tự hào dâng lên, niềm vui ngập tràn. Ấy là khi đất nước, quê hương đang thức dậy tình yêu trong mỗi người, mãnh liệt và sâu sắc, thâm trầm và cháy bỏng, lớn lao mà bình dị, vô hình mà hữu hình.

Em ơi em, Đất Nước là máu xươngcủa mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời.

Lời dặn dò của người con trai với người con gái trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm phải chăng cũng là lời nhắn gửi của cha ông tới cháu con hôm nay!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast