Từ Hiến pháp, nghĩ về công bộc của dân

(Baohatinh.vn) - Hiến pháp - đạo luật gốc, đạo luật qui định các chức năng cơ bản của nhà nước, các tổ chức chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Điều 2, Chương 1 của Hiến pháp 2013 khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và công dân hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp qui định. Quốc hội là cơ quan thể chế hóa Hiến pháp thành những điều luật cụ thể để quản lý điều hành xã hội, Chính phủ là cơ quan căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để thực hiện, suy cho cùng là thực hiện ý nguyện của nhân dân. Tòa án là cơ quan xét xử đúng sai khi có vụ việc xẩy ra trong xã hội, kể cả việc giữa Nhà nước với công dân.

Công chức nhà nước, những người hoạt động trong bộ máy nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, là những “công bộc”, như Bác Hồ nói là người “đầy tớ”, phục vụ nhân dân, bởi họ hoạt động trong bộ máy nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, hưởng lương từ sự đóng thuế của nhân dân.

Dưới ách thực dân, đế quốc, đất nước bị đô hộ, nhà nước đó là nhà nước cai trị, bóc lột nhân dân. Nhân dân bị mất tự do, mất quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân bị trói buộc nên là đối tượng bị trị để phục vụ cho giai cấp thống trị. Bác Hồ của chúng ta hơn ai hết thấu hiểu được sự mất nước, nhân dân mất tự do và làm nô lệ. Nên năm 1945, sau khi giành độc lập, Hồ Chủ Tịch đã tiến hành tổng tuyển cử để xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”. Bản Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, vị trí, quyền lợi người dân đã được khẳng định và bảo đảm bằng luật pháp. Nhà nước cũng được khẳng định rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm là phục vụ nhân dân. Công chức là “công bộc”, là người đầy tớ của nhân dân.

Lâu nay, khá nhiều người luôn đồng nghĩa “công chức” với “quan chức”. Trong mỗi người dân và công chức, có phần họ hiểu và nghĩ rằng: công chức là quan chức, là “quan phụ mẫu”, có quyền ban, phát, cho dân. Nhân dân khi đến với cơ quan công quyền thì lấm la lấm lét sợ quan. Sợ ở đây là sợ quyền của quan, quan sẽ không làm, không giúp, không cho dân.

Chúng ta đang tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, nên việc hiểu về vai trò, vị trí, trách nhiệm của công chức là “công bộc của nhân dân” hết sức cần thiết đối với cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên, người dân cũng cần phải được hiểu, được biết quyền của mình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước hay công chức nhà nước để từ đó họ có quyền được hưởng những dịch vụ công, hay có thể tự bảo vệ, tự đấu tranh trước những nhũng nhiễu, việc làm sai của công chức nhà nước.

UBND huyện CanLộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast