Từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh

Năm nay, cả dân tộc ta kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 20 năm tổ chức Văn hoá giáo dục UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Khi đề cập đến góc độ danh nhân văn hoá thế giới của Hồ Chí Minh, chúng ta lại liên tưởng tới danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, người đã có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử, văn hoá Việt Nam và tới Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã tiếp nối và nâng tầm vóc của Nguyễn Trãi, của văn hoá Việt Nam lên một tầm cao mới.

Bác Hồ về thăm Nguyễn Trãi và đọc bia Côn Sơn ở chùa Côn Sơn ngày 15-2-1965 (TL)
Bác Hồ về thăm Nguyễn Trãi và đọc bia Côn Sơn ở chùa Côn Sơn ngày 15-2-1965 (TL)

Sinh năm 1380, mất năm 1442, Nguyễn Trãi là một ngôi sao sáng trong bầu trời dân tộc thế kỷ XV. Cha ông , Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh khi bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc đã nói với ông lời dặn dò trong giờ biệt ly: “Nếu là người tận hiếu tận trung, con hãy trở về lo đền nợ nước trả thù nhà chứ đừng khóc như con trẻ”. Ông ngoại ông, quan tư đồ Trần Nguyễn Đán trong những ngày lui về Côn Sơn đã dạy ông học hành và nhen nhóm trong ông ngọn lửa yêu nước, tinh thần nhân nghĩa. Lớn lên, Nguyễn Trãi đã tìm đến Lam Sơn giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh. Với tài chính trị, ngoại giao, tài văn chương, ông đã sử dụng ngòi bút của mình làm vũ khí đánh giặc và sau khi thắng lợi thay Lê Lợi thảo “Cáo bình Ngô” tổng kết cuộc kháng và công bố cho toàn dân biết sự nghiệp đánh giặc Minh đã thắng lợi. Đến nay, hơn 5 thế kỷ trôi qua, những vẫn thơ hào sảng và và mang đậm tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi vẫn còn vang vọng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

…Đem đại nghĩa thắng hung tàn

Lấy chí nhân thay cường bạo

Với trước tác để lại gồm hàng trăm bài thơ, phú bằng chữ Hán và chữ quốc âm, hàng trăm bài văn chính luận bao gồm thư, chiếu, biểu, cáo, ghi chép lịch sử vv, Nguyễn Trãi đã làm nên diện mạo nền văn học thế kỷ XV. Thơ văn ông là cuộc đời và con người ông. Đó là tấm lòng ưu quốc ái dân: “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông”. Đó là một bản lĩnh, khí tiết vì nước vì dân “ mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”. Đó là tình yêu thương con người vô bờ bến, xót xa trước cảnh người dân bị giặc tàn sát : “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, là nghĩa cử biết ơn người nông dân một nắng hai sương: “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Đó là tấm lòng rộng mở với thiên nhiên, yêu từng cành cây ngọn cỏ đến mức nâng niu từng ánh trăng trên mặt hồ:

Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá

Rừng tiếc chim về ngại phát cây

Khí phách vĩ đại, công lao to lớn với đất nước và nhân dân như vậy nhưng Nguyễn Trãi luôn giữ cho tâm hồn mình thanh sạch, cao sang, không màng danh lợi. Chính vì vậy, về cuối đời, ông đã ở ẩn Côn Sơn, chọn cho mình một cuộc sống bình dị, dân dã:

Am trúc hiên mai ngày tháng qua

Thị phi nào đến cõi yên hà

Bữa cơm dù có dưa muối

Áo mặc nài chi gấm là

Ông đã để lại nhiều bài học qúy cho đời sau, trong đó có bài học về coi trọng sức dân, luôn đề cao nhân dân, tất cả vì dân với câu nói nổi tiếng: “Chở thuyền, lật thuyền cũng là dân” và ông đã đề xuất với vua trong một lần soạn lễ nhạc “ Dám mong bệ hạ rủ lòng thương và chăn sóc muôn dân, khiến cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gôc của nhạc vậy”. Mặc dầu nhân cách và tầm văn hoa lớn như vậy nhưng Nguyễn Trãi đã phải chịu tấn thảm kịch của lịch sử, chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của chính cái triều đình mà chính ông đã dày công gây dựng.

Ngày 15-2-1965, Hồ Chủ Tịch đã về thăm Côn Sơn, đọc tấm bia ở chùa Côn Sơn, thăm lại không gian văn hoá Nguyễn Trãi, Người vô cũng xúc động. Những người đi cũng Bác kể lại: Người tìm đến và ngồi lên “bàn thạch “ mà Nguyễn Trãi đã từng viết trong “Côn Sơn ca”: Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi. Dường như đã có cuộc gặp gỡ giữa hai nhân cách lớn, tâm hồn lớn, tài năng lớn và những nét tương đồng của 2 cuộc đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890, sau Nguyễn Trãi 510 năm. Lên 7 tuổi, Người xa quê theo mẹ

Chân dung Nguyễn Trãi
Chân dung Nguyễn Trãi

cha vào Huế và 11 tuổi đã phải chịu cảnh mất mẹ, mất em. Cha của Người-cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng là bậc trí thức yêu nước, coi trọng nhân cách, luôn dạy con lẽ phải điều hay. Ông ngoại Hoàng Đường và không gian văn hoá làng Hoàng Trù đã có ảnh hưởng sâu sắc đến học vấn và tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung. Tư tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước thương dân, ý chí đấu tranh chống ngoại xâm để mang lại hoà bình độc lập cho dân tộc, ấm no cho nhân dân của Hồ Chí Minh, tình yêu thiên nhiên, con người, lòng vị tha nhân hậu …là những gì Người tiếp thu và nhân lên từ Nguyễn Trãi và các bậc tìền bối. Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và suốt cả cuộc đời, Người phấn đấu hết mình cho lý tưởng ấy.

Từ tấm lòng ưu quốc ái dân, với tầm nhìn vượt ra ngoài biên giới, Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lê, nhân dân khỏi cảnh lầm than. Người đã sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam để lãnh đạo toàn dân cứu nước. Tận dụng thời thế trong nước và quốc tế, Người đã lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công-nông đầu tiên ở Đồng Nam á, xoá bỏ ách đô hộ của thực dân, phong kiến hơn 80 năm. Bản “ Tuyên ngôn độc lập” Người đọc ở vườn hoa Ba Đình đến hôm nay vẫn còn vang vọng và là “thiên cổ hùng văn” giống như “ Cáo bình ngô” của Nguyễn Trãi:

Nước Việt nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã là một nước tự do và độc lập”

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Người đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc cùng sự ủng hộ của các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân Pháp và chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ. Người ra đi khi cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa kết thúc nhưng với tầm nhìn của một bậc vĩ nhân, Người đã khẳng định: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam-Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Người đã để lại một di sản văn hoá, tinh thần đồ sộ và vô cùng qúy giá cho hậu thế bao gồm hàng trăm tác phẩm văn học, báo chí bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ, bằng tiếng Pháp, hàng trăm bài nói chuyện, lời dạy đối với các tầng lớp nhân dân, từ cán bộ, đảng viên cho tới các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi, đồng bào miền núi, miền xuôi, chiến sĩ công an, quân đội, thầy cô giáo…

Qua thời gian năm tháng, những di sản tinh thần ấy vẫn như những viên ngọc lung linh, soi sọi vào mỗi tâm hồn Việt Nam, làm ánh lên vầng sáng của tinh thần yêu nước, lòng nhân nghĩa, đức hy sinh, tấm lòng bao dung rộng mở với thiên nhiên và con người:

Ngoài song trăng rọi cây sân

Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song

Việc quân, việc nước bàn xong

Gối khuya yên giấc bên song trăng nhòm

(Đối trăng)

Trong những phút cuối cùng của cuộc đời, Người đã được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè khắp năm châu. Di sản văn hoá tinh thần Người để lại qua hơn 40 năm nay vẫn được nhân dân Việt Nam và thế giới gìn giữ, noi theo, biến thành niềm tin và hành động trong mỗi phút giây trong cuộc sống hàng ngày. Thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người, tòan Đảng tòan dân Việt Nam đang phấn đấu: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast