Từ Xô viết Nghệ Tĩnh đến ngục Kon Tum

(Baohatinh.vn) - Kon Tum – mảnh đất cực Tây xa xôi của Tổ quốc, cách nơi tôi sống hàng ngàn cây số, ấy vậy mà, chỉ mới xuống xe đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thương...

Mùi nồng nồng, âm ẩm của đất trong mùa mưa, những gương mặt “da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” đã mang đến cảm giác ban sơ ấy. Cho đến khi bước chân tôi run run đi qua những giọng người Xứ Nghệ, đi qua những bóng cây cổ thụ để đến thắp hương lên các ngôi mộ trong ngục Kon Tum, tôi mới hiểu những cảm giác ấy được tạo nên bởi một sợi dây vô hình xuyên suốt từ những năm tháng chống giặc của cha ông...

Quang cảnh ngục Kon Tum.

Quang cảnh ngục Kon Tum.

Anh bạn đồng nghiệp ở Báo Kon Tum chỉ cho tôi dòng sông Đak Bla cuộn đỏ mà tôi thường nghe trong ca khúc của Nguyễn Cường “Dòng đak Bla, đak Bla vẫn ôm ghì thị xã…”. Đó là một dòng sông rất đặc biệt – dòng sông chảy ngược sang Campuchia rồi lại quay về Việt Nam qua hệ thống sông Cửu Long. Anh bạn nói bâng quơ: Sông như một tiếng tù và thổi qua lòng xanh thị xã. Tôi hỏi lại: - Tù và? Anh bảo: - Em thử nhắm mắt lắng nghe kỹ mà xem, tiếng của dòng sông không hẳn ầm ào, không thật dịu êm mà là thứ âm thanh nhỏ dần, ngân dài không dứt, cứ ầm ầm, ù ù trong không gian mênh mông.

Tôi ngồi im dưới gốc cây xà cừ, lắng nghe âm thanh ấy và thán phục sự cảm nhận tinh tế của chàng trai da nâu, mắt sáng người bản xứ. Tiếng tù và như âm thanh dội về từ quá khứ, đưa tôi ngược dòng thời gian trở về những năm tháng tranh đấu hào hùng, đầy máu và nước mắt của những người công nhân, nông dân anh hùng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh quê tôi.

Ánh nắng non sau cơn mưa rừng vội vã là một thứ màu sắc gợi nhớ. Ngay tại sân ngục Kon Tum, tiếng trống rộn vang từ cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp những năm 30-31 thế kỷ trước cứ dội về trong tâm tư tôi không dứt. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua xứ ủy Trung kỳ, ngày 1/5/1930, công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven TP Vinh đã biểu tình phản đối thực dân Pháp. Từ đó đến tháng 8/1930, khắp Nghệ An, Hà Tĩnh đã rộ lên 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân.

Từ tháng 9/1930, các cuộc biểu tình vũ trang tự vệ quy mô lớn kết hợp với các yêu sách chính trị liên tiếp nổ ra của nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên, Hương Sơn... làm cho bộ máy chính quyền thực dân Pháp và chính quyền địa phương của triều Nguyễn lâm vào tình trạng tê liệt và tan rã. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tổ chức nông hội (xã bộ nông) ở những nơi chính quyền tan rã đã kiểm soát và thành lập chính quyền mới với hình thức giống như hệ thống Xô viết.

Bạn tôi hỏi với giọng rất xa xôi: - Chắc ở Nghệ Tĩnh còn nhiều di tích lưu dấu phong trào này em nhỉ? Tôi tự hào trả lời: Tại Hà Tĩnh và Nghệ An hiện nay, các di tích về Xô viết Nghệ Tĩnh đã được Nhà nước xếp hạng các cấp. Trong đó, ở Hà Tĩnh, Can Lộc là nơi cuộc đấu tranh nổ ra mạnh mẽ nhất. Tại đây có nhiều địa danh còn lưu giữ ký ức cuộc nổi dậy năm xưa, là niềm tự hào của các thế hệ trẻ: Khu lưu niệm với tượng đài hoành tráng ở Ngã ba Nghèn (Can Lộc) nơi 42 liệt sỹ ngã xuống trong phong trào Xô viết; miếu Biên Sơn (Hồng Lộc, nay thuộc huyện Lộc Hà) là nơi được Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Huyện ủy Can Lộc chọn làm trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng; đền Đô đài Bùi Ngự Sử (Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) là nơi liên lạc, hội họp của BCH lâm thời của Huyện ủy Can Lộc. Chùa Chân Tiên (Thịnh Lộc, nay thuộc huyện Lộc Hà) là nơi tổ chức đại hội thành lập Chi bộ Đảng Yên Điềm… Ngoài ra, cuộc nổi dậy còn diễn ra rầm rộ ở Hương Sơn, Hương Khê với các địa chỉ đỏ như: đình Tứ Mỹ (Sơn Châu, Hương Sơn) là nơi ra đời của Chi bộ Đảng Tứ Mỹ vào tháng 6/1930; Rôộc Cồn (Phú Phong, Hương Khê) với đỉnh điểm là ngày 20/4/1931, Chi bộ Đảng tổ chức mít tinh để công bố chia ruộng đất công và vận động quyên góp giúp đồng bào trại La bị địch khủng bố.

Xiềng gông và các hiện vật được trưng bày tại “địa ngục trần gian” Kon Tum.

Xiềng gông và các hiện vật được trưng bày tại “địa ngục trần gian” Kon Tum.

Nghệ An, nơi khởi đầu cho phong trào đấu tranh Xô viết cũng có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: đình Võ Liệt (Võ Liệt - Thanh Chương). Đây từng là trụ sở của phong trào cách mạng của làng trong những năm 1930-1931, đặc biệt là nơi diễn ra cuộc họp ngày 1/9/1930 để thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên; Cụm di tích “làng đỏ Hưng Dũng” (TP Vinh), Khu di tích Bến Thủy - nơi đánh dấu sự mở đầu của phong trào công nhân ở Nghệ Tĩnh; Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão, nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của nhân dân Hưng Nguyên, Nghệ An với hơn 200 người hy sinh – được lấy làm ngày truyền thống của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh; mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 7/11/1930 (xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu); đài tưởng niệm 72 liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh (làng Trụ Pháp, xã Mỹ Thành, Yên Thành) nơi tưởng niệm 72 chiến sĩ cách mạng bị Pháp xử bắn ở Yên Thành…

Sau khi nghe tôi kể về các địa danh lịch sử, chàng trai Tây Nguyên ấy dẫn tôi đến thắp hương tại 2 ngôi mộ tập thể. Anh nói: Đây là 2 ngôi mộ chung, nơi yên nghỉ của các chiến sỹ cách mạng bị địch giết hại dã man trong cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực tại ngục Kon Tum. Họ chính là những chiến sỹ cách mạng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tôi run run ngước nhìn lên 2 mái của nhà lưu niệm rồi bước vào căn phòng lưu giữ những bức ảnh, kỷ vật, dấu tích của những người con quê hương kiên dũng năm xưa.

Cô gái hướng dẫn viên tên Mai, giọng như gió thoảng, nói: 90% tù chính trị ở đây là các cụ ở Nghệ An - Hà Tĩnh, từ phong trào Xô viết 30-31. Trong khi tôi lần lượt ngắm nhìn những kỷ vật quá khứ, Mai giới thiệu thêm: Thực dân Pháp đã bắt giam, đày ải trên 500 lượt tù chính trị ở đây nhằm nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh miền Trung, đồng thời, khai thác sức lao động không công của tù nhân để xây dựng tuyến đường 14 phục vụ mưu đồ cai trị và khai thác thuộc địa của chúng. Ngoài ra, chúng còn nhằm cách ly tư tưởng cộng sản và giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ dư luận lên án. Chúng thực hiện một chế độ lao tù vô cùng hà khắc, tàn bạo, sẵn sàng sử dụng vũ lực giết hại dã man tù chính trị trên công trường làm đường 14 cũng như trong nhà ngục.

Những người cộng sản được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của Xô viết Nghệ Tĩnh đã kiên cường, bất khuất đấu tranh chống lại mọi mưu mô, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Khi bị giam ở ngục Kon Tum, họ lại một lần nữa tỏa sáng chất thép, trở thành chỗ dựa cho quần chúng cách mạng trong ngục tù đế quốc. Tại đây, ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng ngục Kon Tum được thành lập do đồng chí Ngô Đức Đệ quê ở Trảo Nha (Can Lộc) - người đầu tiên bị đày lên đây làm bí thư. Từ “hạt giống đỏ” này, phong trào đấu tranh trong ngục Kon Tum tiếp tục nảy mầm và phát triển, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước.

Các cuộc đấu tranh “lưu huyết” và “tuyệt thực” đã lấy đi sinh mạng của nhiều chiến sỹ kiên trung nhưng cũng để lại những bài học lịch sử sâu sắc về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, về chí khí anh dũng. Đứng trước cái chết, những người tù chính trị đã phải tìm ra con đường sống, dù biết có thể phải trả giá bằng chính sự sống của bản thân cũng như của anh em, đồng chí. Song, họ hy vọng rằng, “sau khi ta chết rồi, họa may, mấy anh em mới còn phương sống”. Còn để lại đấu ấn đậm nét trong lòng người dân Kon Tum là những tấm gương như Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Ngô Đức Đệ, Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Võ Trọng Bành…

Tôi rời ngục Kon Tum trong tiếng tù và từ dòng Đak Bla mải miết ngược ngàn, trong những rặng dã quỳ rực rỡ màu nắng và dư âm về những cuộc đấu tranh trong ngục Kon Tum đầy bản lĩnh, khí phách của các chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh. Mảnh đất Kon Tum xa xôi đã trở nên gần gũi trong tâm tư tôi bởi máu xương và khí phách người Xứ Nghệ đã thấm đượm, quyện nồng vào đất đai, cây cối. Tôi chợt liên tưởng, trong sự rực rỡ của rặng cúc quỳ bên ngoài cửa sổ kia có một phần khí phách của các chiến sỹ cách mạng năm xưa. Họ đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng trên quê hương Kon Tum…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast