Văn hóa công quyền và câu chuyện cán bộ trẻ

Chiều 6/10, thông báo của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được phát đi, trong đó có nội dung kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh.

van hoa cong quyen va cau chuyen can bo tre

Quang cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: TTXVN.

Đa phần cán bộ, đảng viên và nhân dân thực sự thấy buồn, thấy xót xa, thấy tiếc nuối cho một cán bộ trẻ với nhiều kỳ vọng. Biết vậy, nhưng để Đảng “có cơ thể khỏe mạnh” làm tròn bổn phận, trọng trách của mình đối với dân tộc, đối với đất nước thì không thể không làm. Kỷ luật Đảng là không có vùng cấm. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh theo đúng Điều lệ Đảng và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chấp hành nghiêm các quy định của Trung ương chính là tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh của Đảng.

Từ việc ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, vấn đề cần nói đến chính là văn hóa công quyền và phương cách bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Thời gian sẽ không bao giờ dừng lại, xã hội vẫn phải tiếp tục vận động và phát triển, sự nghiệp cách mạng của Đảng phải được tiếp nối bằng lớp lớp cán bộ, đảng viên kế tiếp nhau. Đó là quy luật.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Theo lẽ đó, mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ là điều nên làm; thậm chí Đảng ta cũng đã có những chủ trương, quy định cụ thể khuyến khích các cấp ủy, tổ chức đảng sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng phải luôn gắn với bồi dưỡng, rèn luyện; giao việc phải gắn với kiểm tra thường xuyên; đồng thời cần phải đánh giá đúng năng lực, trình độ, bản lĩnh của cán bộ để giao việc một cách phù hợp.

Thực tiễn, có không ít cán bộ trẻ đã thể hiện rõ được chí khí, tài năng của mình, đóng góp đáng kể cho đất nước. Nhưng ngược lại, cũng có người do chưa hội tụ đủ những yếu tố cần thiết mà đã được giao đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, nên dễ nảy sinh biểu hiện “tự cao, tự đại”, cho mình là người tài giỏi, bỏ qua mọi lời khuyên của đồng chí, đồng đội, anh em. Ngộ nhận, không lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội, của nhân dân, thiếu khiêm tốn, tự cho mình quyền vượt trên nguyên tắc, dẫn đến sai phạm và mất uy tín... là bài học căn cốt mà cán bộ trẻ cần suy nghĩ và nghiêm túc xem xét để điều chỉnh hành vi, thái độ trong thừa hành công vụ.

Cán bộ trẻ giữ cương vị, trọng trách càng cao, càng đòi hỏi phải nghiêm túc rèn giũa để trưởng thành hơn, để xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức, của nhân dân. Tích cực học tập, nghiêm túc rèn luyện, khiêm tốn giúp cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm, bản lĩnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Tri thức, kinh nghiệm, bản lĩnh là những giá trị cốt lõi của văn hóa công quyền, mà mục tiêu là vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Theo Lê Long Khánh/QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast