Việt - Pháp: Quan hệ đối tác thể hiện sự chín muồi

Tối 24/9, phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp hiện nay thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drain. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drain. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới của mối quan hệ chân thành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ cho tới an ninh quốc phòng và cùng chia sẻ lợi ích vì hòa bình, phồn vinh của nhân dân hai nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong 40 năm qua, với nỗ lực vun đắp từ cả hai phía, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, quan hệ Việt Nam và Pháp đã đạt những thành quả quan trọng đầy ý nghĩa. Pháp là một quốc gia châu Âu đầu tiên, ngay từ những năm đầu thập kỷ 1990, đã tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn nhất quán coi trọng và ưu tiên quan hệ đối tác với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình. Sự nồng ấm trong quan hệ đã thể hiện sâu rộng qua nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên của các cơ quan, địa phương, tổ chức xã hội.

Cho tới nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, thiết lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân…

Qua đó, Việt Nam và Pháp đã từng bước trở thành đối tác quan trọng cùng có lợi của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ. Việt Nam và Pháp cũng đã phối hợp tích cực cùng nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trách nhiệm của hai bên là phải cùng nhau hợp tác với những tư duy mới, cách làm sáng tạo để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ song phương đặc biệt, thân tình này đi vào chiều sâu, hiệu quả và phát triển mạnh mẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Trước mắt cần dành sự quan tâm, nỗ lực hợp tác trên các nhóm lĩnh vực trọng tâm như hợp tác chính trị - ngoại giao; quốc phòng và an ninh; kinh tế, hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học và tư pháp, bao gồm cả hợp tác song phương và đa phương trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, toàn cầu.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay hợp tác chung giữa hai châu lục đang kết nối thông qua Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), đối thoại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Liên minh châu Âu (EU)... Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp cần trở thành cây cầu nối mới cho phát triển hợp tác Á-Âu. Ở đầu cầu phía Đông, là khu vực châu Á, nơi tập trung 2 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế quan trọng khác, trong đó có ASEAN, đang dần trở thành một Cộng đồng kinh tế năng động với trên 600 triệu dân và một lực lượng lao động trẻ, GDP khoảng 2.200 tỷ USD. Ở đầu cầu phía Tây, đó là EU, một nền văn minh lâu đời, một nền kinh tế hùng mạnh và là một nhà xuất khẩu lớn nhất của thế giới…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: "Bên cạnh xu thế phát triển tích cực của quan hệ hợp tác Á-Âu, chúng ta cũng cảm nhận được “sức nóng” của sự cạnh tranh về lợi ích chiến lược, nhất là giữa các nước lớn, sự cọ xát bởi những khác biệt về giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn… cần được cân bằng thỏa đáng. Hợp tác, cùng tùy thuộc vào nhau phải lấn át, thay thế chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Trong quá trình khó khăn đầy thách thức này, rất cần phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia đối tác.

Phải chăng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trên nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng, cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á-Âu. Qua đó, hai nước cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Tất cả vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới"./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast