“Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”

Trong tâm thức người Việt, thánh là nhân vật siêu phàm, có tài năng đặc biệt, lúc sống có công đức lớn đối với cộng đồng dân tộc, khi đã “hóa” (chết) vẫn tiếp tục che chở cho dân nước, bảo vệ giang sơn. Trước đây đã có Thánh Gióng, Thánh Tản, Thánh Trần, nay một số người dân tôn thánh vị tướng huyền thoại của thời đại Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp “Văn lo vận nước, văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông bà Nguyễn Tạo. Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông bà Nguyễn Tạo. Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều sự kiện lớn lao, nhiều kỷ niệm đáng nhớ với đồng chí, đồng đội, bạn bè. Một trong những kỷ niệm luôn sống trong hành trang tinh thần của ông là lần ra Bắc đầu tiên để gặp nhà cách mạng Nguyễn Tạo (1905-1994), Bí thư Kỳ bộ Bắc kỳ của Tân Việt cách mạng Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), để… tranh thủ vận động các Kỳ bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản” (*).

Nhà cách mạng Nguyễn Tạo, bí danh là Trần Châu Phong, Nguyễn Phủ Doãn, sinh ra và lớn lên tại xã Thái Yên (Đức Thọ), trong một gia đình có truyền thống yêu nước, nho học và giỏi nghề thuốc đông y. Vốn có tư chất thông minh, lại sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hiếu học nên thời tiểu học, Nguyễn Tạo đã giỏi cả Hán văn, Quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1919, mới 14 tuổi, ông được cụ thân sinh cho ra TP Vinh học trung học. Tại đây, ông sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước và cách mạng của các chí sĩ trong phong trào Duy Tân nên đã hăng hái tham gia Hội Phục Việt (tên gọi đầu tiên của Đảng Tân Việt) từ khi hội này mới thành lập (1925).

Chuyến ra Bắc công tác và cuộc gặp gỡ với Nguyễn Tạo vào năm 1929 đã để lại cho Võ Nguyên Giáp nhiều ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp. Sau này, Đại tướng đã nhiều lần xúc động kể lại sự kiện ấy. Sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ thuật lại: “Xong công việc ở Vinh, anh Giáp lên đường ra Hà Nội. Chỗ liên lạc là anh Tôn Quang Phiệt… Anh Phiệt đưa anh Giáp đến giới thiệu với anh Nguyễn Tạo (tức Tạo “rỗ”) phụ trách Kỳ bộ Bắc kỳ của Tân Việt. Cơ quan bí mật của Kỳ bộ đóng ở phố Huế. Anh Giáp ở đấy bàn với anh Tạo về công việc Đảng. Anh Tạo đồng ý chuyển sang tổ chức cộng sản và đề nghị lấy tên là Tân Việt cộng sản Đảng.

Trong dịp nhà cách mạng lão thành Nguyễn Tạo tổ chức mừng thượng thọ 90 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân đã đến dự. Trong không khí thân mật, Đại tướng đã đọc tặng lại cụ Nguyễn Tạo 2 câu thơ trong tấm danh thiếp của một đồng đội tặng ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 82: Vài ba năm nữa ngoài trăm tuổi/ Tấm lòng cộng sản vẫn thanh xuân và vui vẻ kể lại những kỷ niệm về cuộc gặp gỡ 65 năm trước.

Vào năm 2002, Đại tướng còn tự tay ghi lại kỷ niệm đó kèm theo lời nhận xét trân trọng: “Sau Cách mạng tháng Tám thành công, tôi có nhiều dịp làm việc với anh Tạo. Anh Tạo là người ngay thẳng, kiên cường, toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, trọn vẹn, thủy chung với đồng chí, đồng bào”.

Trong “nhiều dịp làm việc” với nhau, hẳn Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên được vụ án lịch sử Ôn Như Hầu (12/7/1946) mà ông, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã trực tiếp chỉ đạo Nha Công an Bắc bộ và ông Nguyễn Tạo lúc bấy giờ vừa là Phó Giám đốc, vừa là người trực tiếp chỉ huy đánh án, làm cho âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng từ lúc còn trứng nước của kẻ thù tan thành mây khói.

Điều đáng chú ý là cả hai đều rất thượng thọ và khi đã “hóa” thì đều trở nên bất tử trong lòng dân. Trước khi Võ Nguyên Giáp đi vào cõi bất tử trong sự tiếc thương, kính ngưỡng của triệu triệu người dân Việt thì Nguyễn Tạo đã trở thành bất tử trong tâm khảm của người dân làng Thủy Lạc, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Vào ngày 11/8/2011, nhân dân làng Thủy Lạc đã rước chân nhang bàn thờ và di ảnh của nhà cách mạng Nguyễn Tạo về thờ tại đình làng với tư cách là Đức Bản cảnh Thành hoàng “hộ quốc tỷ dân”.

Sở dĩ, nhà cách mạng quá cố có được vinh dự lớn lao đó là vì trong lúc trốn tránh sự truy nã của thực dân Pháp (1932) tại địa phương này, ông đã vận động và chỉ huy dân hai làng Thủy Bông và An Lạc quai đê lấn biển khai mở ra hàng ngàn mẫu đất, lập nên một làng mới có tên là Thủy Lạc. Truyền thống ngày xưa, có làng thì phải có đình. Dựng xong đình, người dân Thủy Lạc nhớ ơn người thanh niên cộng sản năm xưa, từ đời ông truyền đến đời cháu, đi tìm dấu tích ân nhân trong suốt hơn 70 năm để xin được lập ông làm Thành hoàng làng mình. Có thể nói, việc một chiến sĩ cộng sản được nhân dân thờ làm Thành hoàng làng là sự kiện có một không hai trong đời sống của người Việt.

Phía Nam Đèo Ngang là quê hương của vị tướng lừng danh, phía Bắc Đèo Ngang là bản quán của nhà cách mạng nổi tiếng. Một người được nhân dân cả nước coi như bậc thánh; một người được dân làng thờ làm thần. Thật tự hào, khi hai mái Đèo Ngang, đất cằn đá sỏi, “chảo lửa, túi mưa” đã sinh ra những con người bất tử.

------------------------

(*). Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, NXB Thanh niên, HN, 2008, tr.121

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast