Xác định hợp lý quy mô thôn xóm, khối phố

Thôn xóm, khối phố không phải là đơn vị hành chính trong hệ thống chính quyền bốn cấp, nhưng có vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trong nhiều năm qua, hoạt động của hệ thống tổ chức ở thôn xóm, khối phố (chi bộ Đảng, các chi hội đoàn thể) đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chắt lọc, tiếp thu ý kiến của nhân dân để phản ánh cho Đảng và chính quyền các cấp, đảm bảo sự ổn định chính trị từ cơ sở.

Xác định đúng quy mô thôn xóm, khối phố không chỉ giúp bộ máy chính quyền cơ sở nâng cao năng lực hoạt động mà còn giảm thiểu kinh phí chi trả phụ cấp
Xác định đúng quy mô thôn xóm, khối phố không chỉ giúp bộ máy chính quyền cơ sở nâng cao năng lực hoạt động mà còn giảm thiểu kinh phí chi trả phụ cấp

Tuy vậy, do quy mô chưa hợp lý, đội ngũ đảm nhận công việc ở thôn xóm thiếu ổn định (luân phiên, cắt lượt), ít được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chế độ phụ cấp không thoả đáng đã có sự ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh ta có 2.827 thôn xóm, khối phố; bình quân toàn tỉnh mỗi thôn xóm khối phố có 110 hộ là tương đối hợp lý. Năm huyện là Lộc Hà, Ký Anh, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh bình quân 120-160 hộ/thôn xóm, khối phố. Ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang bình quân 80-95 hộ.

Tuy nhiên, đi sâu từng huyện, từng xã thì quy mô thôn xóm, khối phố quá chênh lệch. Cùng điều kiện địa lý, dân số như nhau nhưng có xã chỉ 4 đến 10 thôn với quy mô mỗi thôn từ 200-300 hộ, trong khi đó có những địa phương từ 15-22 thôn, quy mô thôn 70-80 hộ, cá biệt 40-50 hộ.

Do quy mô quá nhỏ đã tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ và tất yếu sẽ tăng kinh phí để trả phụ cấp cho đội ngũ cán bộ nói trên, không đảm bảo sự công bằng về sức lao động hao phí trong chi trả phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên giữa các đơn vị có quy mô quản lý khác nhau.

Điều quan trọng hơn là rất khó huy động nguồn lực (kể cả con người và vật chất) từ trong dân, từ cơ sở để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, thiết chế văn hoá, phúc lợi cộng đồng, trong khi Đảng và Nhà nước đang quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí trên địa bàn dân cư phải huy động nguồn lực chủ yếu từ trong dân là cứng hoá 70% đường thôn xóm, 65% đường nội đồng, hệ thống thuỷ lợi, 100% nhà văn hoá, 80% nhà ở đạt tiêu chuẩn quy định, tủ sách, hệ thống loa máy, nhà tang lễ,...

Ở các thôn xóm nhỏ nói trên, do quá ít đoàn viên, hội viên nên hoạt động còn rời rạc, nhất là chi đoàn thanh niên vì số đông thanh niên đi làm ăn xa. Những việc cần huy động nguồn nhân lực lớn thực hiện các nhiệm vụ thì gặp không ít khó khăn.

Được biết, UBND tỉnh đã có đề án trình HĐND tỉnh quyết định một số chính sách đối với cán bộ cơ sở để thực hiện nghị định số 92/2009/ NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, trong đó, có chế độ phụ cấp đối với các chức danh không chuyên trách ở thôn xóm, khối phố. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị:

Tỉnh cần có chủ trương để các huyện thị thành và cơ sở cần khảo sát để quy hoạch, sáp nhập thôn xóm, khối với quy mô hợp lý (130-150 hộ ở các đơn vị đồng bằng, đô thị, 100 hộ ở các đơn vị miền núi). Những đơn vị điều kiện địa lý thuận lợi, quy hoạch dân cư liên kết, thì sáp nhập theo làng hoặc thôn trước đây như một số địa phương đã làm để phát huy truyền thống, bản sắc từng vùng miền.

Những địa phương thôn xóm, khối phố quy mô từ 200-300 hộ hoạt động hiệu quả cần ổn định nhưng có chế độ phụ cấp cao hơn. Những thôn, bản tuy nhỏ nhưng ở biệt lập, đi lại khó khăn, nhất là miền núi thì quy mô phải nhỏ.

Nếu sắp xếp quy mô hợp lý sẽ đem lại hiệu quả không nhỏ trên nhiều lĩnh vực như đã đề cập ở trên, nhất là kinh tế. Đơn cử xã Phù Việt (Thạch Hà), trước đây có 18 thôn, mỗi thôn 3 cán bộ (chưa tính các chi hội), số biên chế cần là 54 người. Nay quy hoach lại 5 thôn, mỗi thôn 4 cán bộ (1 bí thư, 1 thôn trưởng, 1 thôn phó, 1 công an viên), số biên chế là 20 người, giảm 34 biên chế. Nếu làm nhà văn hoá của 18 thôn, mỗi nhà 200 triệu đồng, cần số vốn 3,6 tỷ đồng, nay chỉ làm 5 nhà văn hoá, kinh phí mỗi nhà 300 triệu = 1,5 tỷ sẽ tiết kiệm được 2,1 tỷ đồng.

Nếu cả tỉnh quy mô thôn xóm, khối phố hợp lý như vậy sẽ giảm được 500 - 600 đơn vị, mỗi năm sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng về chế độ phụ cấp, chi hành chính và xây dựng cơ bản.

Mức trả phụ cấp cho đội ngũ cán bộ nói trên nên phân theo quy mô đơn vị.

Những thôn xóm khối phố có quy mô 200 hộ (đồng bằng, đô thị), 150 hộ (miền núi) nên vận dụng chế độ như cấp phó không chuyên trách ở xã. Đồng thời phải cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ và chế độ trách nhiệm của từng chức danh, trên cơ sở đó để hàng năm có sự phối hợp giữa cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ nói trên với nội dung, chương trình hợp lý, thiết thực để vận động thuyết phục quần chúng duy trì kỉ cương pháp luật, tạo phong trào cách mạng từ cơ sở, đảm bảo ổn định để phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast