Xuân về nhớ Bác

Mỗi mùa Xuân về lòng ta lại nhớ Bác Hồ. Nhớ Bác, học và làm theo lời Bác một cách thiết thực nhất chính là soi mình vào tấm gương sống giản dị, trung thực nhưng hết sức kiên cường của Bác và nhắc nhở nhau làm theo những lời căn dặn của Người.

Xuân về nhớ Bác ảnh 1

"Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn" (Tố Hữu)

Từ mùa Xuân 1970, chúng ta không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết vào thời điểm trang trọng Giao thừa, chào đón năm mới.

Tuy nhiên, đứng trước bàn thờ gia tiên vào lúc tiễn đưa năm cũ, trong lòng mỗi chúng ta không chỉ nghĩ đến tổ tiên, ông bà và những người thân đã khuất mà còn thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ.

Khi nhân dân đặt trọn niềm tin vào Đảng

Ông Jean Sainteney, người thay mặt cho nước Pháp ký Hiệp định Sơ bộ với nước ta đầu năm 1946, về sau trong hồi ký của mình đã viết: “Từ khi gặp ông Hồ Chí Minh lần đầu tiên, tôi đã có cảm tưởng là con người khổ hạnh đó mà nét mặt biểu lộ cả trí thông minh và nghị lực, lẫn mưu trí và tế nhị, là một người siêu đẳng chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một nhân vật chính trị nổi bật trên diễn đàn châu Á... Kiến thức rộng rãi, trí thông minh cùng với sức hoạt động lạ lùng, khả năng chịu đựng mọi kham khổ và lòng vị tha không bờ bến của ông đã đem đến cho ông uy tín và sức thuyết phục không ai có thể so sánh nổi”.

Chúng ta may mắn có một vị lãnh tụ mà người bên kia chiến tuyến cũng phải ca tụng.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tôi thiết thực nhất là soi mình vào tấm gương sống giản dị, trung thực nhưng hết sức kiên cường của Bác và nhắc nhở nhau làm theo những lời căn dặn vừa hết sức chân tình, vừa hết sức chí lý của Bác Hồ.

Phát biểu tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc, tháng 7/1955, Bác đã nói:“Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Lấy đồng hồ làm thí dụ: bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ”.

Nhân dân ta vốn rất tin yêu Đảng và công nhận tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nhân dân yêu cầu Đảng phải luôn có những quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân, từng đảng viên phải gương mẫu đúng như tinh thần hồi Kháng chiến (Đảng viên đi trước, làng nước theo sau).

Năm nay Đảng ta tổ chức Đại hội lần thứ XI, Đại hội tổng kết kinh nghiệm những năm Đổi mới và chuẩn bị hành trang cho một thời kỳ mới - thời kỳ phát triển nhanh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng đã thẳng thắn vạch ra những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự yếu kém làm chưa hết trách nhiệm trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước... Không ít cơ sở đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, tự phê bình và phê bình yếu... Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng... Một số tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể chưa quan tâm đúng mức công tác dân vận. Nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính”…

Tôi cho rằng như vậy là Đảng ta đã thực sự soi mình làm theo những lời căn dặn của Bác Hồ: “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”; “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Về ý thức tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân, Bác Hồ khẳng định: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm”; “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân".

Dân chủ phải được biểu hiện trong toàn bộ cuộc sống. Mỗi đảng viên đều có trách nhiệm với Đảng, với nhân dân.

Học Bác cách trọng dụng nhân tài để xây dựng đất nước

Bác là tấm gương sáng trong việc trọng dụng nhân tài để xây dựng đất nước. Ông Tạ Quang Bửu là một nhà toán học nổi tiếng (lưu học tại Đại học Paris, Bordeaux -Pháp và ĐH Oxford-Anh) về nước năm 1934 và dạy học ở Huế. Năm 1945 ông cùng Luật sư Phan Anh ra Hà Nội để tham gia cách mạng. Tháng 3/1946 tuy chưa vào Đảng, ông đã được Bác Hồ giao cho làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 8/1947, tuy chỉ mới được kết nạp vào Đảng tròn 1 tháng ông đã được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Về khoa học thì có lẽ trường hợp tiêu biểu nhất là GS Trần Đại Nghĩa. Ông là Kỹ sư Phạm Quang Lễ, được Bác trực tiếp thuyết phục và tìm cách bí mật đưa từ Pháp về nước để giao trọng trách làm Cục trưởng Cục Quân giới. Bác còn tự tìm tên để đổi cho ông. Bác nói: “Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình , bà con chú còn ở trong Nam”.

Bác tin ai là không có nhầm. Là một Việt kiều sống lâu năm xa Tổ quốc, mặc dầu bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng GS Trần Đại Nghĩa đã ra sức góp phần tích cực xây dựng ngành quân giới non trẻ để phục vụ trực tiếp cho chiến đấu. Có lần Bác gửi cho GS Nghĩa một chiếc áo với mẩu giấy ghi hàng chữ: “Chiếc áo sơ mi của đồng bào Thái Lan tặng Bác. Bác tặng lại chú, mặc cho ấm để làm việc tốt”.

Những chuyện ấm lòng như vậy đối với những người trí thức cống hiến cho đất nước kể sao cho xiết.

Bác phân tích: “So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết...Ta cần hợp tác với người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ... Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi”.

Chúng ta càng tự hào về Đảng ta, về dân tộc ta thì càng thấy rõ yêu cầu bức thiết phải bứt phá về kinh tế, để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Muốn đất nước ngày càng giàu có lên Đảng phải vạch ra được những kế hoạch phát triển kinh tế rất xác đáng và động viên được toàn thể nhân dân hào hứng và nỗ lực tham gia vào việc thực hiện kế hoạch đó. Muốn nhân dân hào hứng và nỗ lực trước hết phải thực thi dân chủ.

Bác dặn chúng ta: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”. Bác còn nhắc nhở: “Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước”.

Năm 2011 này cả nước phấn đấu để GDP tăng thêm 7-7,5% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%, tổng thu ngân sách trung ương là 591. 279 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho 1,6 triệu lao động, đưa được 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyển mới đại học- cao đẳng tăng 6,5%, trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%, cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo tiêu chuẩn mới; có 4% số xã đạt các chỉ tiêu nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%...

Hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 là hành động thiết thực nhất để chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XI và cũng là để đáp lại lòng mong muốn của Bác Hồ: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

* Những lời nói của Bác được dẫn từ cuốn: "Về xây dựng và chỉnh đốn Đảng", NXB Chính trị Quốc gia năm 2000.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng

(Nguồn: Chinhphu.vn)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast