Xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, người làm báo cả nước được sống trong những sự kiện đặc biệt của đất nước: kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 125 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Quốc khánh 2/9...

Nhận thêm niềm vui, niềm tự hào là nhận thêm trách nhiệm của lịch sử và thời đại giao phó, mỗi nhà báo tự soi mình trong tấm gương đạo đức của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh và các thế hệ nhà báo tiền bối, nỗ lực vươn lên về mọi mặt, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng như lời dạy của Bác: “Báo chí là một mặt trận. Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng ảnh 1
Tác nghiệp. Ảnh: Văn Bảy

9 thập kỷ qua, báo chí Việt Nam đã làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình thống nhất của dân tộc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ, hy sinh và đi đến thắng lợi vẻ vang của dân tộc đều ghi dấu bước chân thầm lặng và bền bỉ của các nhà báo. Ngọn lửa yêu nước, niềm tự hào dân tộc, quyết tâm giải phóng dân tộc và đưa đất nước đi lên mạnh giàu, niềm tin sắt son vào Đảng, Bác Hồ đã được báo chí nhen nhóm, thổi bùng lên, trở thành sức mạnh to lớn cho đồng bào, chiến sĩ cả nước hoàn thành ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Trong sự nghiệp lớn lao đó, nhiều nhà báo đã hy sinh thân mình, để lại một phần cơ thể và tuổi xuân trên khắp chiến trường. Họ thực sự là những tấm gương soi cho hậu thế.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với biết bao khó khăn, thách thức. Cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu là một mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần cam go và đòi hỏi các nhà báo, ngoài tâm huyết, sức lực còn phải có trí tuệ và bản lĩnh lớn. Để thực sự là người chiến sỹ trên trận tuyến mới, nhiều nhà báo đã lao vào những nơi nguy hiểm, khó khăn như hầm mỏ, núi cao, đèo sâu, trên những con tàu ngoài biển cả, trong những cánh rừng bị đốn hạ, nơi những loài thú quý bị tiêu diệt... để đưa đến cho bạn đọc những hình ảnh và thông tin về những sự kiện mới, nóng; về công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Họ cũng bằng mọi cách có mặt ở những nơi thâm cung mà cái ác, cái xấu đang ngự trị để đưa ra ánh sáng những vụ việc, con người đang có hành động cản trở sự đi lên của đất nước. Họ đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?

Nhà báo là chiến sỹ, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Vinh dự, tự hào đi đôi với trọng trách. Để làm tròn trọng trách “chiến sỹ”, nhà báo cần phải tự tu dưỡng, rèn luyện đủ “tâm” và “tầm”, đủ trí tuệ, bản lĩnh và nhuệ khí. Các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên định hướng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các nhà báo; cấp ủy, chính quyền phải luôn song hành và hỗ trợ các nhà báo, nhân dân phải luôn hưởng ứng, cổ vũ và làm theo những việc tốt, người tốt báo nêu, tránh xa những cái xấu, cái ác mà báo phê phán. Có như vậy nhà báo mới có thể hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, xứng đáng là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.

90 năm là hành trang và cũng là động lực để các nhà báo hôm nay nhận từ lịch sử tài sản vô giá, nỗ lực vươn lên không ngừng để tô đẹp trang sử hào hùng của báo chí cách mạng Việt Nam!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast