Ý kiến khác nhau về việc không quy định trần học phí đại học

Có ý kiến cho rằng, việc không quy định trần học phí với ĐH công lập có thể khiến một bộ phận người học gặp khó khăn trong tiếp cận ngành có sức hút

Sáng 7/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Một trong những vấn đề lớn được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa –Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày trước hội nghị là vấn đề tài chính và tài sản và tự chủ đại học.

Ý kiến khác nhau về việc không quy định trần học phí đại học

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. (Ảnh: Quốc hội)

Không xác định mức trần học phí

Theo ông Phan Thanh Bình, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho giáo dục đại học (GDĐH); thay đổi phương thức đầu tư, có cơ chế khuyến khích đa dạng hóa nguồn thu; cụ thể hóa và yêu cầu công khai, minh bạch về chi phí đào tạo, mức thu học phí và chính sách hỗ trợ cho người học; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các khu vực công lập – tư thục; rà soát lại các quy định về tài chính, tài sản và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đồng bộ với pháp luật có liên quan; thận trọng việc luật hóa cơ chế trường đại học công lập tự chủ về tài chính…

Tiếp thu ý kiến đại biểu, đầu tư cho giáo dục đại học được chỉnh lý, bổ sung theo hướng xác nhận trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư vào phát triển GDĐH; quy định phương thức phân bổ ngân sách thông qua các hình thức: chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.

Liên quan đến học phí và các khoản thu dịch vụ khác, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giữ quy định về học phí là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở GDĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở GDĐH công khai mà không xác định mức trần học phí. Đồng thời, quy định học phí là một khoản thu của cơ sở GDĐH, độc lập với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

Cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến băn khoăn, khi thu nhập bình quân xã hội còn thấp, chưa hoàn thiện được hệ thống quỹ tín dụng sinh viên (của cả nhà nước và tư nhân) cũng như cơ chế lập quỹ tài chính hỗ trợ học bổng, phát triển nhà trường, thì việc không quy định mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập có thể khiến cho cơ hội tiếp cận với GDĐH của một bộ phận người học có khó khăn, đặc biệt là ở một số ngành có sức hút lớn (như y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng,…).

Trái lại, cũng nhiều ý kiến khác cho rằng, trong cơ chế tự chủ thì việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí ở mức xã hội/ người học có thể chấp nhận và tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là cần thiết, các trường tự cân nhắc để tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng thu hút người học. Hơn nữa, cơ chế thu và sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập cũng sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản dưới Luật (dự kiến sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết theo quy định của Luật Giáo dục).

Quy định trách nhiệm giải trình

Về vấn đề tự chủ đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH.

Ý kiến khác nhau về việc không quy định trần học phí đại học

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa –Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Đồng thời, nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH cũng được chỉnh theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast