Công nghiệp cơ khí: Nhỏ lẻ, manh mún!

(Baohatinh.vn) - Là một trong những ngành công nghiệp cơ bản nhưng công nghiệp cơ khí ở Hà Tĩnh nhìn chung vẫn chưa thật sự tạo được điểm nhấn. Quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, sản phẩm đơn điệu... là “đặc điểm nhận dạng” của ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bài toán phát triển ngành dường như vẫn đang làm khó cả cơ sở làm nghề cũng như ngành chủ quản.

Hơn 95% cơ sở nhỏ lẻ

Theo số liệu khảo sát tại các địa phương, trong khi các DN cơ khí có số lượng đếm trên đầu ngón tay thì những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại có con số “khủng”. Cụ thể, tại TX Hồng Lĩnh có đến 200 cơ sở sản xuất nhỏ, trong khi chỉ có 7 DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí; TP Hà Tĩnh cũng không phải ngoại lệ khi có đến 175 cơ sở nhưng chỉ có 20 DN…

Như vậy, xét về tổng thể, đại đa số các cơ sở cơ khí vẫn hoạt động với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, đầu tư chắp vá và tập trung chủ yếu ở các ngành như sản xuất các sản phẩm cửa nhôm, cửa sắt, tủ; mái che, đúc; gia công cơ khí…

cong nghiep co khi nho le manh mun

Các cơ sở cơ khí trên địa bàn chủ yếu gia công các sản phẩm như cửa sắt, khung nhôm, mái che...

Trong xưởng sản xuất ngổn ngang sắt thép, máy móc được tận dụng từ khoảng sân ở trước nhà, chủ cơ sở cơ khí Văn Hải (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, tôi đã mở xưởng và đến nay các mặt hàng sản xuất vẫn không nhiều thay đổi. Ngoài công việc gò hàn thông thường thì cơ sở của tôi có nhận thêm làm cửa nhôm, cửa sắt, khung nhôm rạp cưới, rạp nắng và một số sản phẩm lặt vặt khác. Một phần do máy móc, thiết bị hạn chế, một phần do trình độ tay nghề chưa cao nên đầu tư mở rộng sản xuất cũng là một vấn đề khó khả thi”.

Theo đánh giá từ Sở Công thương, bên cạnh những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và thay thế hàng nhập khẩu thì hơn 95% cơ sở sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình. Máy móc, công nghệ của các cơ sở nhìn chung còn lạc hậu nên chủ yếu vẫn là cơ khí gia công, gần như chưa chế tạo được các loại máy móc, thiết bị có giá trị cao. Bên cạnh đó, trình độ của những người làm nghề trong lĩnh vực này hầu hết đều thấp, không được đào tạo bài bản mà thường là tự học theo lối truyền nghề nên không đáp ứng những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao…

Cần được tiếp sức

Các DN, cơ sở cơ khí đang hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn do ngành nghề này đòi hỏi lượng vốn đầu tư ban đầu khá lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, trong khi năng lực tài chính còn khá yếu. Do vậy, đầu tư sản xuất vẫn là một việc làm khá mạo hiểm đối với không ít cơ sở.

Mặc dù sản phẩm được khách hàng tin dùng và dần có được chỗ đứng nhưng một DN sản xuất cơ khí ở Thạch Hà vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn. Được biết, sau khi đầu tư ban đầu với nguồn vốn lớn nhưng thu hồi chậm, lại không có chính sách hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng nên hiện nay, DN đang loay hoay tìm cách gỡ khó.

Cũng với mong muốn thành lập DN để có nhiều cơ hội tìm kiếm những đơn hàng lớn nhưng anh Huy Kính (TP Hà Tĩnh) vẫn còn ái ngại. Anh Kính cho hay: “Hiện cơ sở của tôi chuyên về sản xuất khung nhôm kính và muốn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất đòi hỏi phải có nhiều yếu tố. Ngoài “tự thân vận động”, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, đặc biệt về vấn đề nguồn vốn và mặt bằng”.

Việc tìm hướng đi cho ngành cơ khí thực sự là một bài toán khó với cả ngành chức năng và các địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: “Bên cạnh những DN cung cấp các sản phẩm cơ khí đáp ứng thị trường trong và ngoài tỉnh thì hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh ta đang thiếu một chiến lược kinh doanh bài bản và lâu dài, chủ yếu chạy theo mục tiêu lợi nhuận trước mắt, cạnh tranh bằng giá chứ chưa phải bằng chất lượng, không có sản phẩm chủ lực, khâu đổi mới công nghệ nhìn chung rất yếu. Mặt khác, do ngành cơ khí có lĩnh vực hoạt động rất rộng, từ đóng tàu đến sản xuất các sản phẩm cơ khí gia dụng nên sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vô cùng đa dạng; việc xác định phân ngành cơ khí nào là chủ lực để có hướng tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đó còn lúng túng, nên chưa chọn ra được một vài chủng loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tập trung đầu tư phát triển”.

Để tháo gỡ khó khăn, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Hiện nay, Sở Công thương xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, trong đó có xác định cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí là một trong những ưu tiên. Theo đó, các chính sách sẽ khuyến khích phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắt xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần; ưu tiên đầu tư phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn quy mô vừa và nhỏ; huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ khí, nhất là thành phần kinh tế tư nhân”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast