Đầu tư gần 632 tỷ đồng phát triển lưới điện vùng khó khăn

Theo Quyết định phê duyệt Dự án cấp điện nông thôn địa bàn khó khăn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2015, tại 10 địa phương trong tỉnh (trừ thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh) sẽ được đầu tư gần 632 tỷ đồng để phát triển lưới điện vùng khó khăn.

Mất an toàn lưới điện trung thế
Mất an toàn lưới điện trung thế

Trong đó, giai đoạn 1 (2013 - 2015), đầu tư hơn 312,92 tỷ đồng để xây dựng 40 trạm biến áp, 18,75km đường dây trung áp, 484,786km đường dây hạ áp, lắp đặt 14.640 công tơ điện cho 33 xã thuộc 10 huyện; giai đoạn 2 (2015 - 2018), đầu tư hơn 318,87 tỷ đồng để xây dựng 43 trạm biến áp, 25,7km đường dây trung áp, 526,63km đường dây hạ áp, lắp đặt 7.579 công tơ điện cho 34 xã thuộc 8 huyện.

Nguồn vốn cho dự án này áp dụng cơ chế vốn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Bộ Công thương trình Chính phủ, trong đó gồm: vốn ngân sách trung ương cấp (hàng năm hoặc cấp từ nguồn vốn vay ODA) cho tỉnh và vốn đối ứng của tỉnh (cân đối theo yêu cầu thực hiện dự án).

Phương án xây dựng đường dây trung áp có điểm đầu là tất cả các nhánh rẽ xây dựng mới được đấu nối vào đường dây trung áp hiện có nằm trong phạm vi của xã; các tuyến đường dây được chọn không cắt qua nhà cửa, công trình, đảm bảo kinh tế - kỹ thuật và hành lang an toàn theo quy định; sử dụng cột bê tông li tâm cao 12m, 14m và 16m; các trạm biến áp được thiết kế theo kiểu trạm treo trên cột bê tông li tâm cao 10m hoặc 12m, công suất máy biến áp được lựa chọn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của phụ tải...

Đối với tuyến đường dây hạ áp, được thiết kế phù hợp với phụ tải, đảm bảo tiêu chuẩn, hành lang an toàn lưới điện, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương; sử dụng cột bê tông chữ H loại H-7,5, H-8,5 loại A, B, C, cột bê tông li tâm cao từ 8,5 - 12m (tùy vị trí cụ thể); sử dụng dây nhôm nhiều sợi, bọc cách điện bằng nhựa PVC...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast