Động lực để công nghiệp Hà Tĩnh bứt phá

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, CN-TTCN Hà Tĩnh đã có sự bứt phá quan trọng, nhất là giai đoạn 2010-2015. Tốc độ tăng trưởng chung giai đoạn này đạt trên 27%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước từ 15-17%. Với sự gia tăng “đột biến” này, Hà Tĩnh hiện đang vững chân để trở thành trung tâm công nghiệp miền Trung vào năm 2020...

Động lực để công nghiệp Hà Tĩnh bứt phá ảnh 1

Nhộn nhịp Cảng Vũng Áng

Trong dòng chảy phát triển của CN-TTCN Hà Tĩnh, không thể không kể đến việc tỉnh đã ban hành cùng lúc nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tỉnh huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH theo định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu chung của nền kinh tế.

Ngoài ra, Hà Tĩnh còn nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất để các nhà đầu tư hoạt động. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh thường xuyên quan tâm, lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác đầu tư và phát triển khu, cụm công nghiệp tập trung những năm gần đây cũng được Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm và triển khai một cách khoa học. Đến nay, trên toàn tỉnh có 19 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, quy hoạch chi tiết với diện tích 499 ha, tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Trong đó, có 10 cụm đã đi vào khai thác với 140 dự án, tổng vốn đăng ký 2.600 tỷ đồng, thu hút trên 2.500 lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối kinh tế này trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm nay đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Động lực để công nghiệp Hà Tĩnh bứt phá ảnh 2

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I

Bước chuyển quan trọng của công nghiệp Hà Tĩnh được đánh dấu khi KKT Vũng Áng đón hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi trong, ngoài nước triển khai các “siêu” dự án như: khu liên hợp gang thép, lọc hóa dầu và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA, với quy mô gần 10 tỷ USD (giai đoạn 1); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 1,9 tỷ USD, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm; dự án cấp nước KKT Vũng Áng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn với tổng mức đầu tư trên 4.400 tỷ đồng… Tính đến hết tháng 6/2015, KKT Vũng Áng đã đón hàng chục nhà đầu tư với 95 dự án được triển khai, số vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD.

Bên cạnh đó, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng đã có 23 dự án đầu tư, trị giá hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 200 doanh nghiệp và trên 600 hộ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Mặt khác, tỉnh cũng đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết một số khu chức năng: khu vực cổng B, khu công nghiệp dịch vụ Đại Kim, khu tái định cư Hà Tân, khu đô thị tổng hợp Đá Mồng, quy hoạch chi tiết khu vực cửa khẩu… Những cách làm năng động, sáng tạo trong mời gọi đầu tư không chỉ đặt nền móng cho ngành công nghiệp mũi nhọn của Hà Tĩnh mà còn có ý nghĩa quyết định, là hạt nhân trong quá trình phát triển CN-TTCN cũng như các ngành, lĩnh vực KT-XH của tỉnh, là trụ cột chính tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn những năm qua.

Động lực để công nghiệp Hà Tĩnh bứt phá ảnh 3

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Vũng Áng. Ảnh: Chính Cương

Theo số liệu từ ngành Công thương Hà Tĩnh: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (theo giá so sánh 2010) dự kiến đạt 17.097,49 tỷ đồng, tăng 3,36 lần so với thực hiện năm 2010. Sản xuất CN-TTCN đạt mức tăng trưởng cao được tập trung vào 2 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước khi các dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hòa lưới điện quốc gia với sản lượng tương ứng giá trị sản xuất công nghiệp 3.200 tỷ đồng. Dự án nhà máy gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 9/2015, sản lượng thép năm 2015 dự kiến đạt 0,4 triệu tấn, tương đương 4.500 tỷ đồng.

Sự thành công của các hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Tĩnh ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và gần đây là CHLB Đức cũng sẽ tạo sự chuyển biến mới về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đồng thời, hứa hẹn mang đến những luồng sinh khí mới cho nền KT-XH Hà Tĩnh trong nay mai.

Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương cho biết, CN-TTCN vẫn là khâu đột phá của tỉnh thời gian tới. Hoạch định trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 45,7%/năm. Sản lượng thép năm 2016 dự kiến đạt 2,88 triệu tấn và năm 2020 đạt 8,5 triệu tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2016 dự kiến đạt 45.899,59 tỷ đồng, năm 2020 trên 110.000 tỷ đồng.

Với tư duy đổi mới, tinh thần đoàn kết, Hà Tĩnh đã và đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hợp tác đầu tư của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là nguồn lực quan trọng, động lực để tỉnh bứt phá trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast