Luồng lạch bồi lắng, tàu lớn "ngại" cập cảng Xuân Hải!

(Baohatinh.vn) - Vào được, khó ra là thực trạng khiến nhiều tàu có công suất lớn dần e ngại cập bờ tại cảng Xuân Hải (Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do sự bồi lắng của đất cát khiến luồng lạch ở đây ngày một cạn.

Luồng lạch bồi lắng, tàu lớn “ngại” cập cảng Xuân Hải!

Tàu lớn từ 2.000 tấn muốn cập cảng Xuân Hải thì phải canh nước thủy triều lên xuống

Cảng Xuân Hải là cảng sông – biển với 2 cầu tàu, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 3.000 tấn. Trước đây, khi Hà Tĩnh chưa có cảng biển Vũng Áng, nơi đây là cửa ngõ đường thủy quan trọng nhất của địa phương.

Theo đó, cảng Xuân Hải là nơi trung chuyển gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào, tái xuất sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi Lào cấm xuất khẩu gỗ, hoạt động xuất nhập khẩu của cảng không còn sôi động như trước. Hiện tại, thông quan qua cảng chủ yếu là các sản phẩm: gỗ băm dăm, than đá, vật liệu xây dựng, quặng mangan, thạch cao…

Ông Nguyễn Mạnh Hướng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Xuân Hải cho biết: “Dù không được sôi động như thời hoàng kim trước đây nhưng hiện cảng Xuân Hải vẫn là cửa ngõ thông thương cho nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu với khối lượng hàng hóa lớn nhưng do luồng lạch cạn nên lâu nay, tàu lớn không thể vào cập cảng”.

Luồng lạch bồi lắng, tàu lớn “ngại” cập cảng Xuân Hải!

Gỗ băm dăm xuất khẩu tại cảng Xuân Hải

Công ty Thanh Thành Đạt chuyên xuất khẩu băm dăm với khối lượng lớn. Tuy nhiên, tàu công suất trên 2.000 tấn lại không thể cập cảng nên công ty luôn phải “đau đầu” tính toán các chi phí giá thành.

“Muốn ra vào cảng thuận lợi, Công ty phải canh thủy triểu để tính toán. Nhiều khi vào được cảng, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi thì phải đợi con nước lên. Thời gian ra vào “ăn hàng” lâu khiến chi phí nhiên liệu đội lên. Công ty phải bù lỗ chi phí vận chuyển là như vậy” – ông Hoàng Khánh Tâm - Phó giám đốc Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phổ Hải (Công ty Thanh Thành Đạt) cho hay.

Được biết, năm 2016, chính quyền đã hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện nạo vét luồng lạch. Theo đó, doanh nghiệp được phép khai thác cát mặn ở đây để bán, qua đó thực hiện nạo vét luồng lạch đủ độ sâu theo quy định nhằm phục vụ tàu thuyền ra vào cảng. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành quyết định cấm việc khai thác cát mặn để bán thì chương trình này cũng kết thúc.

Hiện tại, luồng lạch tại cảng Xuân Hải vẫn chưa đạt độ sâu tối thiểu. Mới đây, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát, đo đạc luồng lạch tại khu vực này.

Ông Lê Anh Hải - Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh tại cảng Xuân Hải cho biết: “Theo kết quả khảo sát, độ sâu của cảng từ phao số 0 đến phao số 8 có những điểm độ sâu đạt -2m nhưng chuẩn tắc thiết kế (đúng thiết kế - PV) phải -3m. Như vậy, để đạt độ sâu theo thiết kế thì luồng lạch ở đây cần được nạo vét thêm 1m nữa”.

Luồng lạch bồi lắng, tàu lớn “ngại” cập cảng Xuân Hải!

Luồng lạch từ cửa Hội đến cảng Xuân Hải bị bồi lấp, nhiều chỗ độ sâu chỉ đạt -2m trong khi chuẩn tắc thiết kế phải là -3m

Theo tính toán của cảng vụ, để nạo vét thêm 1m với tổng chiều dài gần 10km cần kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Trừ khi Chính phủ tiếp tục cho phép doanh nghiệp khai thác cát mặn như trước đây, còn không thì rất khó để vận dụng các nguồn lực nạo vét luồng lạch.

Trong bối cảnh Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung đang đẩy mạnh thu hút đầu tư như hiện nay thì giải quyết vấn đề luồng lạch bị bồi lấp ở cảng Xuân Hải là rất cần thiết. Nếu vấn đề này được giải quyết, cảng Xuân Hải chắc chắn trở thành một bến cảng có tầm cỡ, xứng đáng là cửa ngõ hàng hải phía Bắc của tỉnh.

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast