Quản lý khai thác khoáng sản: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!

(Baohatinh.vn) - Tại các diễn đàn, vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản luôn được đưa ra bàn bạc, mổ xẻ bởi việc “chảy máu” tài nguyên đang diễn ra từng ngày, từng giờ khiến nỗi lo cạn kiệt ngày càng tăng…

>> Quản lý khai thác khoáng sản: Vi phạm nhiều, xử chẳng được bao!

Đâu là nguyên nhân?

Ngoài các nguyên nhân khách quan về hệ thống các văn bản quản lý, Luật Khoáng sản chưa hoàn thiện, chồng chéo đã làm khó các đơn vị trong quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản thì cơ bản vẫn là những “lỗ hổng” từ công tác quản lý.

Theo đánh giá, các sở: TN&MT, Công thương, Xây dựng, LĐ-TB&XH chưa thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện, phát hiện các hành vi vi phạm trong quá trình khai thác của các đơn vị về việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ sau cấp phép, ký hợp đồng thuê đất, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường... Khi phát hiện các sai phạm của đơn vị, việc xử lý của các ngành, chính quyền địa phương chưa nghiêm, dẫn đến việc các đơn vị khai thác khoáng sản chưa chấp hành nghiêm túc, đầy đủ.

quan ly khai thac khoang san dung de mat bo moi lo lam chuong

Sau khi khai thác, nhiều đơn vị chưa thực hiện công tác hoàn trả mặt bằng, phục hồi môi trương.

Trong khi các đối tượng thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép ngày một công khai thì dường như chính quyền các địa phương và các ngành chức năng chưa có biện pháp quản lý, ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Hầu như xã nào, huyện nào xảy ra tình trạng này đều viện dẫn nhiều nguyên nhân khách quan và… “than khó” trong việc xử lý. Nếu có xử lý thì cũng theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, “ném đá ao bèo”; bởi khi địa phương và cơ quan chức năng ra quân quyết liệt, nạn khai thác đất, cát trái phép tạm lắng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn mọi chuyện lại… “y như cũ”.

Mặt khác, do nguồn vật liệu xây dựng tự nhiên, đặc biệt là cát được cấp phép khai thác quá ít, trong khi nhu cầu ngày một tăng cao nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép có lợi nhuận cao nên nhiều tổ chức, cá nhân bằng mọi cách để thu mua, khai thác trong khi chế tài xử lý các đơn vị vi phạm pháp luật và xử phạt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Phải siết chặt từ “gốc”!

Lập lại trật tự khai thác khoáng sản là vấn đề không dễ để thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần có một quá trình với sự phối hợp từ nhiều đơn vị, địa phương liên quan. Một trong những giải pháp mấu chốt để thực hiện là chấn chỉnh việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và tổ chức tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo thông tin từ Sở TN&MT, đơn vị chức năng hiện đang rà soát, đánh giá cụ thể tổng công suất của các mỏ đã được cấp phép theo từng loại khoáng sản, nhu cầu sử dụng thực tế và dự báo nhu cầu trong giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo việc cấp phép, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản, vừa đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, tránh tình trạng cung vượt quá cầu hoặc ngược lại. Bên cạnh đó, qua rà soát sẽ “thanh lọc” được các đơn vị khai thác để có hướng xử lý như chỉ cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp đủ năng lực, đã thực hiện đầu tư chế biến sâu, hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản.

quan ly khai thac khoang san dung de mat bo moi lo lam chuong

Tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương.

“Hiện, sở cùng các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh việc đấu giá khai thác khoáng sản để cấp phép nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn. Từ năm 2017 trở đi, đối với các khu vực mỏ nằm ngoài diện tích khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, việc cấp phép phải bắt buộc thông qua hình thức đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch” – Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh cho biết.

Bên cạnh đó, giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được xem là giải pháp trọng tâm nhằm hạn chế “chảy máu” khoáng sản. Theo đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt, làm rõ trách nhiệm về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, hình thức xử lý kỷ luật trong trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mà không có các biện pháp xử lý. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, nơi có mỏ trong công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và quản lý thuế. Có chế tài xử lý nghiêm các cơ quan quản lý nhà nước nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

“Tiếp tục duy trì tổ công tác liên ngành, tổ công tác địa phương trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện khai thác, vận chuyển cát trên các tuyến sông không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành của các đơn vị được cấp phép. Hiện sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi, lòng sông trên địa bàn để đưa hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả...” - Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh cho biết thêm.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast