Dự án BOT: Cần được kiểm toán như dự án đầu tư công

Những năm gần đây, các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) “nở rộ” đem lại nhiều hiệu quả kinh tế tích cực, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trong đầu tư hạ tầng.

du an bot can duoc kiem toan nhu du an dau tu cong

Vai trò giám sát của cơ quan nhà nước đối với các dự án BOT còn hạn chế.

Tuy nhiên, các dự án này cũng đã gây không ít hệ lụy, dư luận trái chiều trong xã hội, tạo ra những kẽ hở để trục lợi bất chính từ tiền túi của người dân, tài sản của Nhà nước…

Nguyên tắc thị trường bị vi phạm nghiêm trọng

Hàng loạt bất cập từ các dự án BOT đã được nêu ra thời gian gần đây như: Hiệu suất đầu tư quá cao, cơ chế giám sát chưa hiệu quả, chưa đứng về phía lợi ích của người dân, rủi ro cao khi vốn chủ yếu dựa vào ngân hàng…

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, chi phí cho 1 km đường cao tốc 4 làn tại 25 bang ở Mỹ là 7 triệu USD, Trung Quốc năm 2006 là 4 triệu USD nay điều chỉnh là 7 triệu USD. Trong khi đó, chi phí xây dựng 1 km đường cao tốc trung bình ở Việt Nam là 20 triệu USD.

Trong nhiều dự án BOT, nguyên tắc thị trường bị vi phạm nghiêm trọng do người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng đường và đóng phí BOT. Việc quyết toán công trình xây dựng, chi phí xây dựng,… của nhiều công trình đều chưa được làm rõ, thậm chí là xây dựng chưa xong đã khai thác kinh doanh không theo đúng quy luật của thị trường.

Hơn nữa, theo TS Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán), mặc dù quy định và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được đưa ra khá chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên thực tế triển khai là hầu hết các dự án BOT được thanh tra, kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Thị trường triển khai các dự án BOT cũng vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù đã có quy chế.

Một vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất hiện nay là khả năng thất thoát doanh thu phí. Tại đây đặt ra yêu cầu là phải xác định chính xác tổng mức đầu tư khi thực hiện kiểm tra các dự án BOT. Hơn nữa, không ít trạm thu phí được xây dựng, thực hiện thu phí đối với cả người dân không sử dụng công trình BOT, gây gánh nặng cho người dân. Nhiều trường hợp người dân phải trả phí cho việc sử dụng những con đường chất lượng thấp và còn xảy ra tình trạng tắc đường tại các trạm thu phí.

Tài sản từ dự án BOT cũng là tài sản công

Điều đáng nói là khi xuất hiện những bức xúc, mâu thuẫn giữa người dân với các nhà đầu tư thì câu hỏi đặt là ai bảo vệ lợi ích của người dân? Theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, các công trình PPP khi hoàn thành đều phải được kiểm toán độc lập và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, vai trò giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn hạn chế.

Để khắc phục những bất cập lớn này đối với các dự án BOT, giải quyết vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, nhiều chuyên gia đề nghị Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phải vào cuộc để giám sát, kiểm toán các dự án BOT có mức đầu tư lớn và công bố công khai cho người dân biết.

Phân tích về đề nghị này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội Bùi Thanh Liên cho rằng, dù hợp đồng BOT không thuộc ngân sách nhà nước do Quốc hội phân bổ, nhưng về bản chất tài sản được hình thành từ sự chi trả của người dân, khi tài sản được bàn giao là tài sản quốc gia, là nguồn lực của đất nước, vì vậy KTNN cần tiến hành kiểm toán để trả lời câu hỏi là mức thu phí và thời gian thu phí có minh bạch hay không?

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Hữu Hiểu cho biết, theo Luật Đầu tư công, đầu tư theo hình thức PPP (trong đó có BOT) là một hình thức đầu tư công. Tài sản được hình thành từ hoạt động đầu tư này là tài sản công, nhà đầu tư ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án và được ủy quyền thu phí trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn vốn. Do đó, việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án BOT theo luật định chính là đối tượng kiểm toán của cơ quan KTNN.

Trách nhiệm của KTNN trong vấn đề này còn là cơ quan bảo vệ lợi ích của dân, thực hiện trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước và nhà đầu tư giải trình trước dân về quyết định xây dựng BOT để thu phí của dân. Hoạt động kiểm toán của KTNN sẽ làm minh bạch hoạt động đầu tư dự án BOT, góp phần nâng cao hiệu quả của dự án và bảo vệ quyền lợi của đông đảo người dân.

Ông Bùi Thanh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội.

“Mới đây, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết luận, 2 dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và Hà Nội - Bắc Giang khai tăng cả nghìn tỷ đồng. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa, dự án chi phí chỉ là 1.400 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư tới 2.700 tỷ đồng. Tương tự như vậy, dự án Quốc lộ 1 Phan Thiết - Đồng Nai đã hoàn thành chỉ hết 1.600 tỷ đồng chứ không phải 2.000 tỷ đồng như dự toán. Đặc biệt, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án có mức đầu tư ký hợp đồng khoảng 24.500 tỷ đồng, nhưng do tính toán không kỹ, thi công chậm tiến độ nên tổng mức đầu tư đội lên gần 50.000 tỷ đồng”.

Theo Thời báo tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast