Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim: Điều gì sẽ xảy ra sau ngày 12/6?

(Baohatinh.vn) - Những người tổ chức và các quan chức đặt nhiều kỳ vọng sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày mai giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có một khởi đầu tốt đẹp và diễn ra suôn sẻ.

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim: Điều gì sẽ xảy ra sau ngày 12/6?

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh minh họa: foreignpolicy)

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào vào 9h sáng ngày 12/6 (8h Hà Nội) tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore. Kết quả cuộc họp sẽ xác định liệu ngày 12/6 có phải là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình dài đến nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hay là một sự cứng rắn nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết những vấn đề tồn tại ở một tâm điểm kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Các nhà quan sát và một số quan chức vẫn hoài nghi về một bước đột phá, nhưng hy vọng rất cao.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/6 cho biết: “Thực tế là hai nhà lãnh đạo của chúng tôi đều đang tiến gần hơn đến bàn đàm phán để cho thấy rằng cả hai bên rất nghiêm túc. Mô hình ngoại giao mà chúng tôi sử sụng cho đến bây giờ khác với những nỗ lực trong quá khứ. Những nỗ lực của chúng tôi đem đến cho chúng ta hy vọng rằng có thể tìm thấy thành công thực sự khi mà những cố gắng trong quá khứ đều đi đến thất bại”.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ là một phần trong cả một quá trình dài, được bắt đầu bằng những cuộc đàm phán của ông Kim trong năm nay, và là mặt sau của những vụ thử tên lửa và những tuyên bố mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng chỉ vừa mới diễn ra năm ngoái.

Và những ảnh hưởng từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày mai sẽ còn kéo dài trong suốt năm nay, trong đó có các cuộc họp của Ngoại trưởng Mỹ với những người đồng cấp đến từ Seoul, Tokyo và Bắc Kinh trong những tháng tới để tiếp tục thảo luận về các vấn đề sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim.

Đã có những chuyển động tích cực tạo nên tiền đề cho sự lạc quan: đó là sự tham gia của Bình Nhưỡng tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc hồi tháng 2; là cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại tại Panmunjom ngày 27/4 và một loạt hoạt động ngoại giao con thoi đến Bình Nhưỡng thời gian qua.

Và còn rất nhiều mong đợi: các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc có khả năng sẽ hợp thành một đội thống nhất ở nhiều môn thể thao tranh tài ở Asian Games 2018 diễn ra tại Indonesia vào giữa tháng 8 tới; các cuộc đoàn tụ các gia đình bị chia cắt do cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào ngày 15/8; hoặc có thể là một chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Nhà Trắng hay thậm chí là khả năng về một giải Nobel Hòa bình chung.

Nhưng trở ngại lại nằm trong những chi tiết – và đây không phải là chủ đề dễ dàng để đạt được đồng thuận.

Liệu Triều Tiên có đồng ý phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược theo một cách thức được Mỹ và các đồng minh chấp nhận?

Liệu Washington có thể cung cấp những sự đảm bảo an ninh mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận?

Liệu các bên trông chờ vào sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên có thể tiến cận gần hơn các vấn đề cốt lõi bằng các bước đi vững chắc trong những tháng tới?

ASEAN có thể đóng một vai trò quan trọng trên phương diện này, và Singapore, với tư cách là chủ tịch ASEAN 2018, sẽ thêm một lần nữa là tâm điểm của sự chú ý khi đứng ra tổ chức một loạt các cuộc họp vào đầu tháng 8 này giữa ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác đối thoại chính, trong đó có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Triều Tiên sẽ có mặt tại ARF và diễn đàn này có thể là cơ hội để nhấn mạnh sự cần thiết phải xúc tiến các vấn đề gây tranh cãi.

Khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên tham gia ARF vào tháng 7/2000, một tháng trước đó, các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử. Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000 diễn ra từ ngày 13-15/6, giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Tại hội nghị, hai bên đã ký một thỏa thuận giảm căng thẳng, thúc đẩy nỗ lực tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên.

Sau đó, chủ tịch ARF Surin Pitsuwan, trong một tuyên bố, lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh là một bước ngoặt và hy vọng “đà tiếp tục đối thoại và tương tác sẽ được tiến hành nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài và cuối cùng là sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”.

Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đổ bể năm 2009 và từ đó đến nay các bên chưa trở lại bàn đối thoại.

(Theo Straitstimes)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast