Ai tiếp tay cho lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ Sông Tiêm? (bài 2): “Con voi chui lọt lỗ kim”?!

(Baohatinh.vn) - Gỗ lậu được các đối tượng tập kết tại bãi bốc Rào Trình, sau đó vận chuyển bằng xe công nông. Để ra khỏi địa bàn thì duy nhất chỉ đi theo con đường được kiểm soát bởi các lực lượng: Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Sông Tiêm, Đồn Biên phòng Phú Gia, Hạt Kiểm lâm Hương Khê...

>> Bài 1: Đột nhập “điểm nóng” 247

Cuộc “đàm phán” trên cung đường độc đạo

Sau khi thoát nạn tại tiểu khu 247, chúng tôi rời thượng nguồn rừng phòng hộ Sông Tiêm khi bóng chiều đã ngả. Trên con đường độc đạo trở về thị trấn Hương Khê, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy chở những tấm gỗ cồng kềnh đã được xẻ hình hộp nhỏ về xuôi mà chẳng mảy may có chút biểu hiện lén lút. Phải khẳng định rằng, để đưa gỗ từ tiểu khu 247 ra khỏi địa bàn, chỉ có con đường duy nhất là phải vượt qua 5 chốt chặn của các lực lượng chức năng.

Xe máy ung dung chở những tấm gỗ cồng kềnh đã được xẻ hình hộp nhỏ về xuôi
Xe máy ung dung chở những tấm gỗ cồng kềnh đã được xẻ hình hộp nhỏ về xuôi

Chúng tôi đang đi trên đường, thì K. nhận được tin: một xe công nông lắp đầy 12 bê gỗ hộp đang chuẩn bị xuất phát. K. bật loa ngoài điện thoại cho chúng tôi nghe:

- Họ không cho đi!

K. hỏi: - Ai không cho, già hay trẻ? (người gác trạm nhiều tuổi hay ít tuổi - PV).

- Trẻ cho đi, già không, đưa rồi mà không nhận!

K. nói: - Có trùm bạt không, mấy bê?

- Không trùm bạt. Có 12 que (12 bê)

K. nói: - Chúng mày có bị chi không. Đi giữa ban ngày thì lấy bạt trùm vào, a-b-c để về tao lo sau...

Sau đó, K. liền gọi điện “điều khiển” cho người mà chúng tôi phỏng đoán là trực chốt ở trạm kiểm soát. Và, kết quả sau mười lăm phút, chiếc xe chở 12 bê gỗ hộp báo lại đã đi lọt qua trạm kiểm soát một cách “thông thường”...

K. cho biết thêm: “Số gỗ trong rừng hôm nay các chú quay phim phải 4 ngày nữa mới ra”... Chúng tôi chưa tin, liền hỏi: “Đưa gỗ ra ngoài chắc cũng khá tốn kém?”. K. đáp: “Xe vừa rồi cũng hết 6 chai (6 triệu), lo từ A-Z, còn cụ thể dài lắm, tùy thuộc vào lượng gỗ, giờ giấc và rủi ro, gỗ chủ yếu ra buổi tối”...

Những điều K. vừa trao đổi với chúng tôi thực hư chưa rõ. Nhưng có một sự thực là gỗ bị khai thác vẫn nằm “lăn lóc”, ngổn ngang trong rừng.

“Con voi chui lọt lỗ kim”?

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Mạnh Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết: “Từ đơn vị về thị trấn Hương Khê chỉ duy nhất một con đường có thể lưu thông bằng phương tiện vận tải. Nếu có gỗ lậu thì cũng rất khó để có thể lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng cắm chốt trên tuyến đường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chúng tôi chưa phát hiện và bắt giữ trường hợp nào liên quan đến hoạt động gỗ lậu”.

Đây chỉ là ít cành còn sót lại, người dân vào rừng tận dụng?
Đây chỉ là ít cành còn sót lại, người dân vào rừng tận dụng?

Thiếu tá Hồ Sỹ Thắng - Phó đồn Biên phòng Phú Gia cho biết thêm: “Không biết các anh nắm thông tin ở đâu nhưng nói khai thác gỗ lậu thì to tát quá, chỉ là ít cành còn sót lại, người dân vào rừng tận dụng. Rừng phòng hộ Sông Tiêm làm gì còn gỗ nữa mà khai thác”.

Thiếu tá Thắng nói thêm: “Còn những vấn đề này khác thì để chúng tôi nắm lại đã vì phần lớn anh em ở đơn vị đều mới chuyển về công tác”.

Ông Dương Ngọc Anh - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê (phụ trách pháp chế) cho biết: “Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn như phóng viên phản ánh thì chỉ xảy ra những năm trước, còn từ đầu năm lại nay, chúng tôi luôn phối hợp và có mặt cùng lực lượng Đồn Biên phòng Phú Gia kiểm soát chặt chẽ và không phát hiện trường hợp nào vi phạm”.

Ông Nguyễn Hữu Thinh - quyền Trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm (đơn vị chủ rừng) cho biết, diện tích rừng đơn vị quản lý luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, từ đầu năm lại nay, chỉ mới bắt giữ 1 trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép nhưng số lượng nhỏ, đơn vị đã xử lý kịp thời.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngày 18/8, các đơn vị gồm BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã có sự phối hợp kiểm tra tại tiểu khu 247 thuộc rừng phòng hộ Sông Tiêm. Tuy nhiên, kết quả báo cáo không phát hiện bất kỳ một hoạt động nào có dấu hiệu khai thác lâm sản trái phép.

Theo kiểm đếm của chúng tôi, để về xuôi, gỗ lậu phải “chui lọt” ra khỏi cửa rừng và qua 2 trạm bảo vệ, 3 tổ bảo vệ rừng thuộc BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm; Đồn Biên phòng Phú Gia; Trạm Kiểm lâm Ga thuộc Hạt Kiểm lâm Hương Khê. Không lẽ, “con voi lại chui lọt lỗ kim”?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast