Bán đấu giá đất ở Sơn Lễ:“Tiền trảm, hậu tấu”!

(Baohatinh.vn) - 6.610 m2 đất thuộc khu Bãi Vàng, thôn Cao Thắng, xã Sơn Lễ (Hương Sơn) đã được giao cho 12 hộ dân canh tác vào năm 2009. Đến năm 2011, UBND xã Sơn Lễ tổ chức bán đấu giá phần diện tích 3.600 m2 trong khu đất nói trên. Cũng từ đây, những điều bất ngờ dần hé mở...

Chưa có mặt bằng “sạch” vẫn tổ chức đấu giá

6.610 m2 thuộc khu Bãi Vàng nằm trong diện thu hồi của 12 gia đình là đất 05 (đất thuê có thời hạn của xã giao cho các hộ). Điều đáng nói, giữa các hộ và chính quyền không có hợp đồng giao nhận thuê đất mà chỉ có 1 cuốn sổ ghi nộp tiền thuê hàng năm. Năm 2011, UBND xã Sơn Lễ lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực Bãi Vàng, trình UBND huyện Hương Sơn phê duyệt. Đây là việc làm thường niên của các địa phương nhằm thực hiện chương trình “đổi đất lấy công trình”.

Bán đấu giá đất ở Sơn Lễ:“Tiền trảm, hậu tấu”! ảnh 1

Mảnh đất tại Đội Tưng - Bãi Vàng dù chưa có mặt bằng sạch nhưng đã bị đưa ra bán đấu giá.

Sau khi tiến hành đo đạc, hội đồng bán đấu giá đất đã áp mức giá đền bù đối với 12 hộ liên quan là 20.269.630 đồng. 10/12 hộ đồng ý nhận mức giá đền bù UBND xã Sơn Lễ đưa ra, riêng 2 hộ: ông Cao Đình Hợi (thôn Yên Đức, mua lại đất của ông Lê Xuân Cương) và bà Hà Thị Yến (thôn Cao Thắng) không chấp nhận. Dù còn vướng phần đất của 2 hộ này nhưng chính quyền xã Sơn Lễ vẫn tổ chức bán đấu giá vào năm 2011. Theo đó, 12 lô, diện tích mỗi lô 300 m2 được ấn định ở mức 120 triệu đồng đối với lô số 1; lô số 2 110 triệu đồng; từ lô số 3 trở đi đồng mức giá 100 triệu đồng.

Lý giải cho việc không nhận tiền đền bù, ông Hợi trình bày trong đơn kiến nghị: “Năm 2004, mảnh đất tại khu vực Bãi Vàng là ¼ phần đất tôi mua lại của vợ chồng ông Lê Xuân Cương và bà Hồ Thị Hoàn (thôn Cao Thắng). Trong đó, diện tích đất thầu là 666m2 và diện tích đất khai hoang: 1.000 m2. Nhưng chính quyền xã Sơn Lễ cứ lần lữa không chịu làm thủ tục chuyển nhượng. Từ đó đến nay, tất cả lệ phí và tiền thuế đất tôi đều đóng nộp đầy đủ”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện cho hộ bà Hà Thị Yến cho rằng: “Mảnh đất này gia đình tôi khai hoang vào năm 1990 và có đầy đủ chữ ký của nhiều người, nhưng không hiểu vì lý do gì, xã không chịu làm giấy tờ. Nếu chính quyền lấy đất làm công trình phúc lợi, công cộng sẽ chẳng có gì để nói, nhưng họ lại đền bù phần diện tích 1.926 m2 vài triệu đồng rồi đem bán cho người khác là điều không thể chấp nhận”.

Theo quy định, việc bán đấu giá đất chỉ được thực hiện khi có mặt bằng sạch, song xã Sơn Lễ đã “đi tắt đón đầu” khi ra thông báo đấu giá đất vào ngày 16/3/2009.

Bán xong, vận động chủ đất… nhận bồi thường!

Quá trình xem xét hồ sơ, thủ tục để tiến hành bồi thường, xã Sơn Lễ cho rằng, những giấy tờ ông Hợi đưa ra là không hợp lệ (giấy viết tay của hai bên). Bởi vậy, thay vì xem xét hồ sơ lưu trữ, đồng thời, căn cứ vào các thủ tục khi thu thuế để làm căn cứ, chính quyền xã lại cử Bí thư xóm Cao Thắng lặn lội vào tận nơi ở mới của gia đình ông Lê Xuân Cương tại xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) để xác minh lại nguồn gốc đất. Toàn bộ nội dung bản xác minh được xác lập vào ngày 18/7/2014 chỉ xoay quanh việc ông Lê Xuân Cương và bà Hồ Thị Hoàn đã chuyển nhượng lại 4 phần diện tích đất từ năm 2004, không phát sinh vấn đề mới. Nếu thực sự có trách nhiệm, tại sao 10 năm trước, xã không tạo điều kiện giúp người dân chuyển nhượng? Tại sao hồ sơ của ông Cương lại không lưu trữ tại xã? Và dư luận ngờ rằng, 10 hộ “gật đầu” nhận tiền bồi thường là do không có giấy tờ hợp lệ nên họ chẳng màng đấu tranh đòi quyền lợi?

Trả lời cho câu hỏi của chúng tôi, ông Thái Thanh Hoài - cán bộ địa chính mới thay thế thừa nhận: “Đây là sơ suất của người đi trước, vị cán bộ địa chính xã trước đây đã không làm việc đến nơi đến chốn”. Cũng theo ông Hoài, khi bán đấu giá đất thường kèm theo hợp đồng rõ ràng, đầy đủ giữa chính quyền và các hộ dân. Nhưng chẳng hiểu vì sao, ở UBND xã Sơn Lễ lại không tìm thấy hồ sơ gốc? Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ - Ngô Kiều Hưng lại khẳng định: “Đối với trường hợp ông Cao Đình Hợi, nếu không bàn giao lại mặt bằng, chúng tôi sẽ thi hành biện pháp cưỡng chế. Chính quyền sẽ tiếp tục vận động hộ ông Sơn sớm bàn giao lại mặt bằng cho xã”.

Cho đến nay, 12 lô đất đã được bán cho các hộ và đã thu tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Chỉ có điều, những chủ nhân mới không biết sẽ xoay xở ra sao khi có nhu cầu làm nhà trên phần đất mình đấu giá thành công? Và câu hỏi được đặt ra là khi nào xã Sơn Lễ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast