Bình xét hộ nghèo ở xã Sơn Trà (Hương Sơn): Không có dấu hiệu khuất tất

(Baohatinh.vn) - Vừa qua, Báo Hà Tĩnh nhận được đơn khiếu nại của ông Lê Anh Tuấn (trú tại xã Sơn Trà, Hương Sơn) đề cập tới việc chính quyền xã Sơn Trà bình xét hộ nghèo không đúng đối tượng, không minh bạch. PV đã có mặt tại địa bàn để điều tra, xác minh làm rõ.

Trong danh sách hộ nghèo của xóm 4 Sơn Trà không có sự xuất hiện của cái tên Nguyễn Quân như đơn thư phản ánh

Trong danh sách hộ nghèo của xóm 4 Sơn Trà không có sự xuất hiện của cái tên Nguyễn Quân như đơn thư phản ánh

Lấy tư cách là người đại diện cho cử tri xã Sơn Trà, trong đơn, ông Tuấn cho rằng, quá trình công nhận hộ nghèo tại đây không đúng đối tượng, “người giàu hóa nghèo và nghèo thì thành giàu”. Cụ thể, “người mất sức lao động, đời sống khó khăn không được công nhận hộ nghèo. Ngược lại, các hộ có tiện nghi đầy đủ, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng lại được công nhận”. Đồng thời, người khiếu nại cũng “điểm mặt chỉ tên” trường hợp ông Nguyễn Quân (trú tại thôn 4) là người được hưởng 2 lương (lương thương binh, lương hưu) và nằm trong diện bình xét. Tuy nhiên, trong danh sách xét duyệt hộ nghèo năm 2014 của thôn 4, PV tìm “mỏi mắt” cũng chẳng nhìn ra người mang tên Nguyễn Quân?!

Điều đáng nói là, suốt quá trình tìm hiểu khắp thôn, xã, cái tên Lê Anh Tuấn (người đứng đơn) chẳng một ai hay biết? Ngoài ra, sự xuất hiện của một tên gọi khác là Lê Toản cùng ký tên với ông Tuấn khiến nhiều người nghi ngờ về độ xác thực của lá đơn bởi Lê Khắc Toản là tên đầy đủ của Chủ tịch HĐND xã Sơn Trà. Từ những điều bất thường, không ít người dân trong xóm lắc đầu ngán ngẩm: “Kiểu đơn thế này ở xã nhiều không đếm xuể”?!

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2014, xã Sơn Trà có 111 hộ được xét hộ nghèo, trong đó có 23 hộ thuộc thôn 4. Đây là việc làm thường niên. Thông qua quá trình rà soát, danh sách sẽ được gửi lên Phòng LĐ-TB&XH huyện để xem xét.

Tuy vậy, bình xét hộ nghèo là một vấn đề nhạy cảm và theo nhìn nhận của Chủ tịch UBND xã Lê Quang Hồ thì “xét duyệt gia đình văn hóa chẳng ai mặn mà, nhưng bình xét hộ nghèo ai cũng giơ tay… xung phong”. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình muốn “lọt’ vào danh sách hộ nghèo để được nhận các khoản tiền hỗ trợ đã chẳng ngại ngần đem xe máy gửi nơi khác, thậm chí là… tháo cả bếp ga đưa đi giấu...

Chính vì vấp phải những khó khăn từ phía người dân, rất khó để đòi hỏi công bằng tuyệt đối trong công nhận hộ nghèo. Tuy nhiên, việc bình xét được đảm bảo đúng quy trình và hoàn toàn khách quan, đồng thời, được chính quyền các xóm tìm hiểu kỹ càng nên không có chuyện “đổi trắng thay đen”. Song, “một chín một mười không thể khẳng định là không có kiến nghị từ phía người dân. Trong thời gian này, nếu có điều bất thường, chúng tôi phải rà soát, xác minh lại rồi mới chốt danh sách. Như vậy, mới giải tỏa được những khúc mắc cho dân và làm yên lòng cán bộ” - ông Hồ nhấn mạnh.

Xuất phát từ nhiều lý do mà người làm đơn khiếu nại, tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình. Một phần bắt nguồn từ việc muốn báo cho cơ quan chức năng về các hành vi phạm pháp nhưng lo sợ bị trù dập nên buộc phải lấy tên “ảo”. Trái lại, cũng có người làm đơn khiếu nại, tố cáo bịa đặt, vu khống để hạ thấp uy tín, danh dự của người khác hay nhằm vào mục đích gây mất đoàn kết nội bộ. Lường trước trách nhiệm và hậu quả về hành vi của mình, họ chọn cách “ỉm” luôn tên và địa chỉ.

Đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm mục đích xấu đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, các chế tài đảm bảo cho việc khiếu nại, tố cáo đúng người, đúng tội cần phải được thắt chặt; tránh tình trạng đẩy người giải quyết vào thế tiến thoái lưỡng nan và người vô tội vào cảnh “bức bách” vì những câu chuyện “trời ơi đất hỡi”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast