Đường Nguyễn Công Trứ: Dân khổ vì quy hoạch "treo"!

(Baohatinh.vn) - Đường Nguyễn Công Trứ, đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Hà Tĩnh) có chiều dài 800m. Mặc dù quy hoạch đã được thể hiện trong văn bản cách đây 25 năm tại Quyết định 1989/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, sau đó là Quyết định 3739/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhưng đến nay, tuyến đường vẫn chưa được thi công, để lại nhiều hệ lụy.

Không có hành lang, không có mương thoát nước, tình trạng xuống cấp kéo dài trong nhiều năm, mặt đường trở thành bãi đỗ xe…, đó là tình trạng nhức nhối của con đường nằm gần trung tâm hành chính tỉnh, thành phố, được gắn với tên tuổi danh nhân Nguyễn Công Trứ.

Hàng chục năm qua, người dân luôn trông chờ con đường được thực hiện đúng quy hoạch. Nhưng chờ mãi, người dân đành phải quen dần với cảnh chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã bụi bặm, ồn ào và hoạt động giao thông luôn lộn xộn, mất trật tự trên đoạn đường này. Bà Phạm Thị Ninh (62 tuổi) - chủ căn nhà nhỏ hướng ra mặt đường, bức xúc: “Quy hoạch có từ đầu những năm 90 nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Đường xuống cấp, xe cộ tấp nập từ 3, 4h sáng đến đêm khuya, gây ồn ào, mất trật tự”.

Biến lòng đường thành... "bãi" đỗ xe – cảnh tượng thường thấy ở đường Nguyễn Công Trứ
Biến lòng đường thành... "bãi" đỗ xe – cảnh tượng thường thấy ở đường Nguyễn Công Trứ

Bức xúc vì ảnh hưởng đến giao thông, mĩ quan đô thị là tâm trạng chung của nhiều người, nhưng với những hộ dân sống hai bên đường, việc quy hoạch “treo” còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Bà Nguyễn Thị Hoan (67 tuổi) bộc bạch: “Năm 1988, chúng tôi bỏ móng làm nhà, chính quyền khuyên gia đình lùi ra sau để khi làm đường không bị ảnh hưởng. Thế nhưng...". Theo ông Dương Hồng Vinh - Tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Tân Giang: “Người dân rất mong con đường được triển khai xây dựng đúng quy hoạch. Tháng 9/2013, sau khi họp tổ dân phố, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên phường, Thành ủy, UBND thành phố nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”.

Tìm hiểu về quá trình quy hoạch con đường này, chúng tôi được biết, tại Quyết định số 1989/QĐ-UBND, ngày 26/9/1989 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và Quyết định số 3739/QĐ-UBND, ngày 25/12/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đường Nguyễn Công Trứ có chỉ giới 35m (trong đó mặt đường rộng 14m, lề đường rộng 10,5m x 2).

Căn nhà của bà Phạm Thị Ninh nằm ngay mặt đường Nguyễn Công Trứ luôn phải chịu cảnh chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã bụi bặm
Căn nhà của bà Phạm Thị Ninh nằm ngay mặt đường Nguyễn Công Trứ luôn phải chịu cảnh chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã bụi bặm

Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hà Tĩnh, do thiếu vốn nên việc thi công đường Nguyễn Công Trứ không thể thực hiện được. Tại Công văn số 2105/UBND-GT, ngày 4/7/2012 “về việc chủ trương thực hiện giai đoạn I dự án đầu tư xây dựng công trình đường Nguyễn Công Trứ đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông”, UBND tỉnh đã nêu rõ: thi công mặt đường 14m, thực hiện đúng việc cắm mốc chỉ giới 35m.

Cũng theo UBND thành phố, nếu thực hiện theo đúng chỉ giới 35m, dự toán kinh phí phải hơn 150 tỉ đồng (trong đó, kinh phí xây lắp hơn 10 tỉ đồng), nếu thực hiện theo giai đoạn I (với chiều ngang 21m, trong đó mặt đường 14m, lề đường 3,5m x 2), kinh phí GPMB sẽ không dưới 60 tỉ đồng. Đây là nguồn kinh phí mà UBND thành phố không thể cân đối được để bố trí.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp tháo gỡ những bất cập ở đường Nguyễn Công Trứ hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Trước mắt, thành phố cân đối nguồn vốn bảo trì đường bộ để duy tu, bảo dưỡng lại mặt đường, làm mương và hố ga thoát nước với kinh phí dự toán 4 tỉ đồng. Ngày 5/7/2014, chúng tôi đã giao Công an thành phố cắm biển cấm dừng, đỗ xe trên mặt đường, tiến hành nhắc nhở và xử phạt nguội để tránh tình trạng mất ATGT. Về lâu dài, khi bố trí được nguồn vốn, chúng tôi sẽ thực hiện đúng quy hoạch”.

Hệ lụy sau hơn 20 năm không thực hiện quy hoạch tuyến đường giờ đây đã quá lớn, khi mà bên cạnh những bức xúc kéo dài của người dân, con đường còn gánh trên mình một cơ số dự toán khổng lồ. Nếu cứ tiếp tục kéo dài, kinh phí GPMB, xây lắp sẽ tiếp tục đội lên. Bởi vậy, để không gánh thêm nhiều hệ lụy, tuyến đường cần được thi công càng sớm, càng tốt. Đó không chỉ là nguyện vọng của người dân mà còn là việc phải làm của một thành phố trẻ đang hướng đến những mục tiêu mới trên chặng đường phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast