Hám lợi, mất tình chị em

(Baohatinh.vn) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, cuối năm 2015, UBND huyện Nghi Xuân đã xây dựng phương án xã hội hóa chợ Cổ Đạm (xã Cổ Đạm) và tổ chức đấu thầu rộng rãi. Trên cơ sở kết quả “chấm thầu”, ngày 18/5/2016, UBND huyện đã ký hợp đồng giao nhận thầu quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Cổ Đạm với bà Phan Thị Châu - Giám đốc HTX Châu Cường (đóng tại xã Cổ Đạm).

Theo đó, HTX Châu Cường được nhận toàn bộ mặt bằng, cơ sở vật chất thuộc chợ Cổ Đạm cũ trên khuôn viên gần 4.000 m2 đất để kinh doanh, khai thác trong thời gian 49 năm. Đổi lại, đơn vị phải nộp vào ngân sách 468 triệu đồng tiền thanh lý tài sản chợ, nộp tiền thuê đất hàng năm và hơn 2,4 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ theo phương án đã được phê duyệt.

ham loi mat tinh chi em

Một số hạng mục mới của chợ Cổ Đạm đã được đầu tư nâng cấp.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động và đầu tư xây dựng chợ Cổ Đạm, Hội đồng quản trị HTX Châu Cường đã thành lập Ban Quản lý (BQL) chợ, giao cho ông Phan Văn Huân (Phó Giám đốc HTX Châu Cường vào thời điểm đó - P.V) - em trai của bà Phan Thị Châu, làm Trưởng ban trực tiếp điều hành. Đến ngày 1/10/2016, việc triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ Cổ Đạm hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, xây dựng chợ, giữa Ban Quản trị HTX Châu Cường và ông Phan Văn Huân đã phát sinh mâu thuẫn xuất phát từ công tác quản lý thu, chi. HTX Châu Cường đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu ông Huân báo cáo, công khai tài chính nhưng ông Huân không chấp hành. Buộc lòng Hội đồng quản trị HTX phải thực hiện các biện pháp hành chính, bãi miễn chức danh, thu hồi quyền quản lý chợ Cổ Đạm để triển khai các biện pháp tiếp theo nhưng ông Phan Văn Huân chống đối quyết liệt. Thậm chí, hai bên đã xảy ra xô xát. Và đến thời điểm này, mâu thuẫn giữa HTX Châu Cường và ông Huân vẫn đang “căng như dây đàn”, hoạt động quản lý, khai thác chợ Cổ Đạm trở thành điểm nóng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Châu - Giám đốc HTX Châu Cường cho biết: Để có vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo đề án, HTX đã bỏ ra 720 triệu đồng, số còn lại là của ông Huân. “Là chị em ruột, nên từ đầu tôi có nói với ông Huân là cậu tự kiếm thêm nguồn rồi sau đó ta tính toán cụ thể. Vì tình cảm, tôi tin tưởng nên giao toàn quyền cho ông Huân. Ai ngờ, bây giờ em tôi lại đòi chiếm luôn cả chợ Cổ Đạm của HTX” - bà Châu phân trần.

Cách thức mà ông Huân định “độc chiếm” chợ Cổ Đạm là trong suốt quá trình vừa đầu tư xây dựng, vừa kinh doanh, ông không báo cáo tài chính, cân đối thu, chi theo quy định. Thậm chí, ông tự “định giá” mức đầu tư lên đến hơn 3,4 tỷ đồng, trong khi tổng mức đã được UBND huyện Nghi Xuân phê duyệt là hơn 2,4 tỷ đồng! Đặc biệt, ông đã tự ý bố trí vị trí kinh doanh cho một số hộ và thu 660 triệu đồng tiền thuê ki-ốt của các tiểu thương, gây bất bình cho tiểu thương chợ Cổ Đạm và họ đã có đơn thư kiến nghị gửi lên HTX Châu Cường, UBND huyện Nghi Xuân.

Trước tình trạng đó, sau nhiều cuộc làm việc bất thành vì ông Phan Văn Huân không hợp tác, ngày 26/3/2017, Hội đồng Quản trị HTX Châu Cường đã quyết định tổ chức cuộc họp xã viên và thống nhất miễn nhiệm chức danh Trưởng BQL chợ của ông Phan Văn Huân và thành lập BQL chợ mới. Trước đó, ngày 20/1, ông Huân cũng đã bị bãi nhiệm tư cách thành viên HTX Châu Cường do không thực hiện góp vốn điều lệ vào HTX (650 triệu đồng/4 tỷ đồng vốn điều lệ của HTX).

Trong các ngày 18/4 và 21/4, đại diện lãnh đạo HTX Châu Cường và BQL chợ mới đến chợ Cổ Đạm để thông báo cho các tiểu thương những thay đổi về mặt nhân sự, công tác quản lý và kế hoạch thu phí, lệ phí thì ông Phan Văn Huân đã ngăn cản quyết liệt. Thậm chí, ông Huân còn cùng với một số người đuổi đánh bà Phan Thị Châu - chị gái của mình và Trưởng BQL chợ Nguyễn Thị Kim Oanh - cháu gọi ông Huân bằng cậu.

Từ những nhập nhằng trong hoạt động kinh tế đã dẫn đến những mâu thuẫn gay gắt trong gia đình. Chỉ vì lợi ích cá nhân, ông Phan Văn Huân đã quên đi tình nghĩa ruột thịt. Bà Phan Thị Châu thở dài buồn bã: “Ông Huân không thực hiện theo đúng quy định nên buộc lòng tôi phải xử lý để đảm bảo quyền lợi cho HTX Châu Cường và bà con tiểu thương chợ Cổ Đạm. Điều đáng nói là suốt quá trình xảy ra tranh chấp, HTX Châu Cường đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Thế nhưng, đến thời điểm này, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thiết nghĩ, vấn đề ở chợ Cổ Đạm không chỉ là những mâu thuẫn trong một gia đình, tranh chấp trong hoạt động kinh tế của một đơn vị mà có tác động đến hoạt động KT-XH của một địa phương, đến chủ trương xã hội hóa của tỉnh. Vì vậy, các cấp, ngành, trực tiếp là chính quyền huyện Nghi Xuân cần vào cuộc quyết liệt, sớm giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast