Không có căn cứ về việc ép giáo viên chuyển nơi dạy!

(Baohatinh.vn) - Báo Hà Tĩnh nhận được ý kiến phản ánh của bạn đọc về việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hanh (Can Lộc) ép chuyển giáo viên (GV) ở điểm trường được hưởng chế độ 135 về điểm chính (nơi không được hưởng chế độ này) và ép những GV đang được hưởng chế độ trích tiền phần trăm ưu đãi chia cho những người không có. Trung tuần tháng 5, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có mặt tại địa bàn, xác minh làm rõ.

khong co can cu ve viec ep giao vien chuyen noi day

Ông Phan Tiến Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hanh (Can Lộc) trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh

Qua tìm hiểu được biết, vào năm 2012, Trường Tiểu học Nhân Lộc 2 được sáp nhập vào Trường Tiểu học Nhân Lộc 1 để trở thành Trường Tiểu học Gia Hanh như tên gọi hôm nay. Tuy sáp nhập nhưng việc tổ chức dạy, học vẫn diễn ra ở 2 địa điểm. Năm học này, điểm phụ đang có 12 lớp với 24 cán bộ, GV, phần còn lại giảng dạy ở điểm chính, bao gồm cả hiệu trưởng. Và, câu chuyện phức tạp ở ngôi trường này bắt nguồn từ việc cơ sở 2 được hưởng chế độ từ Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa của Chính phủ (gọi tắt là chương trình 135), còn cơ sở 1 thì không.

Thầy Phan Tiến Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường chua chát cho biết: “Trường Tiểu học Gia Hanh hiện có 41 cán bộ, GV, trong đó có 24 người ở điểm phụ đang được hưởng chế độ 135 do đóng trên địa bàn khó khăn. Dù mới về trường làm công tác quản lý nhưng tôi cũng biết vì việc này mà mâu thuẫn trong GV đã xẩy ra từ ngày sáp nhập. Đến cuối năm 2015, chương trình tạm dừng, tôi thầm mừng vì nghĩ tình hình sẽ yên ổn. Thế nhưng, mới đây, khi chương trình khởi động trở lại và điểm trường lẻ tiếp tục được hưởng chế độ 135 thì tình hình lại trở nên phức tạp”.

Vì quyền lợi nên rất nhiều lần GV ở điểm trường chính muốn được luân chuyển vào dạy ở điểm phụ để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Đại đa phần GV ở điểm chính cho rằng, “lộc bất tận hưởng”, những đồng nghiệp dạy ở điểm phụ đã được hưởng nhiều năm thì nên “nhường” cho người khác vì tất cả đều thực hiện nhiệm vụ như nhau, thậm chí, những người dạy ở điểm chính vất vả hơn. Để bảo vệ lợi ích của mình, những người đang giảng dạy ở điểm phụ cũng “nại” ra nhiều lý do để trì hoãn, đại loại kiểu như “đã quen trường, quen lớp”, “phụ huynh học sinh yêu cầu ở lại dạy con em họ”, đường sá không thuận lợi...

Còn việc đơn thư phản ánh hiệu trưởng ép GV chuyển địa điểm giảng dạy thì ông Phan Tiến Hạnh cho rằng: “Việc điều chuyển GV giữa các điểm trường là thuộc thẩm quyền quyết định của hiệu trưởng. Tuy nhiên, ý kiến phản ánh hiệu trưởng ép GV chuyển địa điểm giảng dạy vì chế độ 135 là chưa chính xác vì tôi chưa hề ký bất cứ quyết định điều chuyển cán bộ, GV nào giữa 2 điểm trường. Trước đây, do sức ép từ GV nên hiệu trưởng cũ đã có kế hoạch, giờ GV vẫn tiếp tục yêu cầu nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn chưa tiến hành. Có thể việc này sẽ được thực hiện nhưng phải xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, nhiệm vụ công tác và sẽ được thực hiện công khai, dân chủ”.

Liên quan đến ý kiến phản ánh việc hiệu trưởng ép GV nơi thụ hưởng chế độ 135 trích phần trăm cho đồng nghiệp ở điểm chính, ông Hạnh cho rằng: “Hiện nay, không có một văn bản pháp lý nào quy định hay hướng dẫn GV phải chia sẻ quyền lợi trong trường hợp như thế này và bản thân tôi cũng không chỉ đạo làm điều đó. Vừa rồi, số GV ở điểm trường phụ có kế hoạch sẽ trích lại 30% tiền được hưởng chế độ 135 để hỗ trợ, động viên những đồng nghiệp ở ngoài điểm chính nhưng chưa thực hiện, tôi cũng chưa có ý kiến chỉ đạo gì về việc này. Nhưng theo tôi, nếu xét về mặt tình cảm, GV tự nguyện thì việc “san sẻ” này cũng tốt và là phương án tối ưu nhất để ổn định tình hình trong điều kiện hiện nay”.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn trường Mai Đình Thăng cũng khẳng định: “Do điểm trường phụ đóng trên địa bàn xóm Kim Sơn đang được hưởng chế độ 135 nên GV ở đây được hưởng cao hơn ở điểm chính 70% lương khu vực và 20% chế độ thu hút (tổng phụ cấp GV ở điểm này được hưởng là 140% lương, trong khi ở điểm chính chỉ có 50% phụ cấp đứng lớp – PV). Vừa rồi, anh em ở điểm phụ có đề xuất sẽ trích lại 30% để chia cho các thầy cô ở điểm chính nhưng chưa thực hiện. Việc trích tiền ủng hộ này hoàn toàn không bị ép buộc, mà vì họ muốn san sẻ để hài hòa lợi ích giữa GV 2 điểm trường”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, thông tin Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hanh ép buộc GV chuyển đổi nơi giảng dạy và ép trích tiền chế độ 135 sai quy định là chưa có căn cứ. Tuy nhiên, qua đây cho chúng ta thấy câu chuyện về những bất cập trong việc thực thi chính sách, sự bất bình đẳng quyền lợi dẫn tới mất đoàn kết nội bộ và sự bế tắc trong việc tìm phương án giải quyết ở cơ sở giáo dục này. Và nếu không có hướng giải quyết thỏa đáng thì mâu thuẫn sẽ tiếp tục kéo dài, tình hình sẽ phức tạp thêm hoặc xử lý không khéo léo thì câu chuyện tế nhị về miếng cơm manh áo của những người đứng trên bục giảng sẽ trở thành đề tài đàm tiếu cho dư luận. Vì vậy, đừng vì quyền lợi bản thân mà gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ và quên đi hình ảnh thiêng liêng của nhà giáo. Điều này phụ thuộc vào sự cư xử tế nhị của những người trong cuộc, phương án xử lý tối ưu của những người có trách nhiệm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast