Máy cày “trở chứng”, người dân đổ lỗi chính quyền!

(Baohatinh.vn) - Năm 2015, xã Kỳ Tây (Kỳ Anh) được nhận hỗ trợ 1,5 tỷ đồng của cấp trên để trả nợ xây dựng cơ bản và mua máy cày phát triển sản xuất. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hàng loạt máy cày bỗng dưng... “trở chứng” và người dân nơi đây cho rằng, máy hỏng là do lỗi của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không đúng như người dân phản ánh.

Xung quanh dự án hỗ trợ công cụ sản xuất cho người dân Kỳ Tây:

Mặc dù mới chớm hè nhưng không khí “nóng” đã bao trùm khắp làng trên, xóm dưới. Thấy chúng tôi hỏi thăm địa chỉ những hộ có “trâu đỏ” bị hỏng, một người đàn ông trạc 50 tuổi hăng hái bắt chuyện và tình nguyện chỉ đường.

“Trâu đỏ” mang nhãn hiệu Made in China khiến gia đình ông Nguyễn Tiến Quân phải mua hẳn một máy hàn để tự sửa chữa.

“Trâu đỏ” mang nhãn hiệu Made in China khiến gia đình ông Nguyễn Tiến Quân phải mua hẳn một máy hàn để tự sửa chữa.

“Sau nhiều lần đưa lên, đặt xuống, gia đình tôi mới lọt vào danh sách được hỗ trợ 50% số tiền mua máy cày (35 triệu đồng/máy). Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng 1 vụ, máy liên tục “trở chứng”, sửa hết lần này đến lần khác. Đến nay, gia đình mất không dưới 2 triệu đồng sửa máy nhưng chẳng biết kêu ai” - bà Kiều Thị Kính (thôn Trường Xuân) ấm ức nói.

Cũng chung “căn bệnh” thường xuyên bị nhả mối hàn ở lồng phay (lưỡi cắt), ốc vít bị văng và đặc biệt chất lượng trục bánh sau quá kém phải sửa đi sửa lại, 6 tháng qua, ông Nguyễn Tiến Quân (thôn Trung Xuân) mất rất nhiều thời gian để đưa máy đi sửa. “Cực chẳng đã”, ông Quân đành mua hẳn một máy hàn trị giá 2,6 triệu đồng để sửa máy cày tại nhà… cho tiện!

Theo điều tra của chúng tôi, ở Kỳ Tây, gần một nửa trong số 28 máy cày xuất xứ từ Trung Quốc được mua bằng tiền hỗ trợ, ít nhiều đều bị hư hỏng. Thậm chí, có máy đã “đắp chiếu” vì không thể vận hành. Cho rằng, chính quyền xã “mang con bỏ chợ”, không có trách nhiệm khi hàng loạt máy cày bị hỏng, người dân viết đơn kiến nghị khắp nơi.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Hà Tĩnh đã vào cuộc tìm hiểu. Theo đó, thực hiện Quyết định 3330 ngày 3/11/2014 của UBND tỉnh “Về cơ chế hỗ trợ khuyến khích các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, quý IV/2015, xã Kỳ Tây được nhận 1,5 tỷ đồng, trong đó, một nửa (750 triệu đồng) dùng để trả nợ xây dựng nhà văn hóa xã; số còn lại hỗ trợ các hộ sản xuất. Cụ thể là hỗ trợ 260 triệu đồng đối với các mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 7 con trở lên và 490 triệu đồng cho các tổ hợp mua máy cày.

Quá trình triển khai, xã Kỳ Tây đã thực hiện đầy đủ quy trình. Tất cả các thôn đều được tổ chức họp bàn thống nhất ý kiến, đồng thời thành lập 28 tổ hợp tác. Theo đó, 28 tổ trưởng phải bỏ ra một nửa số tiền mua máy, đồng thời, nhận số tiền hỗ trợ 17,5 triệu đồng. Những chiếc máy “nhà nước và nhân dân cùng làm” sau khi mua về được sử dụng phục vụ các hộ trong tổ hợp. Các thành viên cần cày đất sẽ được đáp ứng và phải chịu tiền dầu cộng với khoản tiền bồi dưỡng cho người lái.

Khi hay tin người dân Kỳ Tây có nhu cầu mua máy, nhiều đại lý ở Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, TP Vinh đã nhanh chân tiếp thị, chào hàng. Song, thể theo nguyện vọng của bà con, xã Kỳ Tây đã cử đích danh Phó Chủ tịch UBND xã Trần Dương Minh và Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Lệ cùng các ông: Nguyễn Văn Trường (thôn Hồng Xuân), Nguyễn Văn Dương (thôn Trung Xuân), Nguyễn Tiến Quyền - thôn Đông Xuân (đại diện cho người mua) tổ chức đoàn tham quan “khảo giá” tại TP Vinh.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Lệ, sau khi thống nhất mức giá, chủng loại, chủ đại lý và người dân tiến hành làm hợp đồng; thời gian bảo hành máy 1 năm. Số máy này được tập kết tại trú sở UBND xã để bà con xem xét, lựa chọn. “Nói chính quyền địa phương “phó mặc dân” là không đúng. Bằng chứng là máy của ông Nguyễn Bá Thọ (thôn Trường Xuân) bị hỏng đã được đổi; còn ông Lê Văn Tình (thôn Trung Xuân) được chủ đại lý thay thế, sửa chữa miễn phí” - ông Lệ dẫn chứng thêm.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Kỳ cho rằng: “Ngoài việc góp vốn 50%, người dân còn biết loại nào tốt, loại nào xấu nên để họ tự quyết định là đúng. Việc hai bên mua bán với nhau, chính quyền có biết nhưng chúng tôi chỉ can thiệp khi có sự cố xảy ra. Có thể máy hỏng, người dân tự sửa, không báo nên chúng tôi không biết”.

Như vậy, xem xét nơi mua hàng và quyết định mua máy đều do người dân. Tiếc rằng, khi vụ việc xảy ra, người dân không tự ý thức vấn đề này mà đổ cho chính quyền địa phương, gây ảnh hưởng đến ANTT địa phương và mục tiêu tốt đẹp đặt ra là hỗ trợ công cụ sản xuất cho người dân.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast