Nhức nhối thực trạng chất thải y tế (bài 1): Dân “kêu trời” vì…rác!

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2007, bằng nguồn vốn hỗ trợ trái phiếu Chính phủ và một số kênh vốn khác, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư lò đốt rác và hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại. Những tưởng, sau khi đi vào hoạt động, công nghệ xử lý rác thải đạt chuẩn này sẽ mang lại hiệu quả cao; vậy nhưng, cho đến nay, không ít người dân sống gần bệnh viện vẫn “điêu đứng” vì rác thải.

Khói bụi bủa vây

Trong tổng số 9/19 bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh được PV Báo Hà Tĩnh khảo sát, có đến 6 bệnh viện bị người dân “kêu trời” về hệ thống xử lý rác thải. Hầu hết các bệnh viện đều có hợp đồng xử lý rác thông thường với đơn vị dịch vụ, còn rác y tế nguy hại phải xử lý bằng hệ thống lò đốt rác theo quy chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, mùi hôi thối và khói bụi bốc ra từ việc đốt rác đã trở thành nỗi khổ của người dân sống xung quanh.

Chi phí nhiên liệu khá cao được xem là nguyên nhân cơ bản khiến việc vận hành lò đốt rác thải y tế thiếu thường xuyên.

Chi phí nhiên liệu khá cao được xem là nguyên nhân cơ bản khiến việc vận hành lò đốt rác thải y tế thiếu thường xuyên.

Nhà cách Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Can Lộc khoảng 100m, thường xuyên chịu cảnh hôi từ việc đốt rác của bệnh viện, bà Nguyễn Thị Luân (tổ dân phố 5, thị trấn Nghèn) vừa chỉ tay về “cái lò gạch cũ” (lò đốt xây bằng gạch, có mái che - PV) bức xúc: “Trung bình, tuần vài lần, tầm 9h tối là BVĐK Can Lộc tiến hành đốt rác. Mỗi lần đốt, khói cộng với mùi hôi, khét xộc thẳng vào nhà dân. Nhiều năm nay, người dân ở đây phải sống trong khổ sở. Không còn cách nào khác, mỗi khi bệnh viện đốt rác là nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít”.

Cùng chung tâm trạng, chị Bùi Thị Thảo (tổ dân phố 5, thị trấn Nghèn) cho biết thêm: “Không chỉ khói bụi mà nhiều loại rác thải như: bông, băng dính máu, thậm chí cả… nhau thai bị súc vật tha về đây vì một đoạn hàng rào của bệnh viện bị sập mà mãi không thấy xây lại. Mỗi lần họp tổ dân phố, chúng tôi đều kiến nghị lên các cấp, tuy nhiên, không thấy ai đứng ra giải quyết”.

Một điểm chung mà chúng tôi được chứng kiến khi đề cập đến tình hình xử lý rác của bệnh viện Can Lộc và các BVĐK Hồng Lĩnh, Hương Khê, Cẩm Xuyên thì đều nhận được câu trả lời của bà con sống xung quanh: ô nhiễm khói. Mặc dù đã kiến nghị lên các cấp, ngành nhưng đến nay, người dân các khu vực này vẫn phải sống chung với khói từ việc đốt rác bệnh viện.

Ông Nguyễn Hữu Bính (Tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh) cho biết: “Trong các buổi tiếp xúc cử tri, họp hành, nhân dân cụm 6, 7 thuộc tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị bệnh viện di dời lò đốt hoặc lắp ống khói để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng... nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng”.

Kinh hoàng nước thải y tế

Ngoài ô nhiễm khói bụi từ việc đốt chất thải y tế dạng rắn, việc xử lý chất thải y tế dạng lỏng cũng làm không ít hộ dân “đứng ngồi không yên”. Tại khu vực BVĐK thành phố Hà Tĩnh, nhiều hộ dân ở các tổ dân phố Tiền Tiến, Tiền Giang, Tiền Phong (phường Thạch Quý) đang “kêu trời” vì môi trường sống ô nhiễm nghiêm trọng.

Mặc dù BVĐK Hương Sơn đã đưa lò đốt rác công nghệ Nhật Bản vào sử dụng từ đầu năm 2014, nhưng vẫn có dấu vết của việc đốt rác ngoài lò gạch.
Mặc dù BVĐK Hương Sơn đã đưa lò đốt rác công nghệ Nhật Bản vào sử dụng từ đầu năm 2014, nhưng vẫn có dấu vết của việc đốt rác ngoài lò gạch.

Ông Đoàn Thanh Cường (Bí thư Chi bộ tổ dân phố Tiền Phong) bức xúc: “Trời nắng còn đỡ, khi mưa xuống khổ hết chỗ nói, nước từ các kênh mương ứ đọng, trong đó có nước thải từ bệnh viện bốc mùi hôi thối”. Ông Cường cho biết thêm, trước đây, tại vị trí của bệnh viện bây giờ là một hồ khá rộng, sau khi xây, do hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh nên nước thải bị ứ đọng; hơn nữa, từ tháng 2/2013, bệnh viện đi vào hoạt động nên việc ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Việc ô nhiễm nguồn nước ở BVĐK Can Lộc đã được phản ảnh khá nhiều, tuy nhiên, đến thời điểm này, vùng đất ruộng của 35 hộ dân vẫn bị bỏ hoang do ô nhiễm. Ông Trương Quốc Chinh (Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Can Lộc) cho biết: “Gia đình tôi có gần 3 thước ruộng phía sau bệnh viện nhưng từ năm 2009 lại nay không sử dụng được mặc dù trước đó bắc mạ rất tốt. Lý do chính là vì ai cũng bị dị ứng với nước ruộng, lội một buổi là chân vừa sưng, vừa ngứa cả tuần nên không dám sản xuất ở khu vực đó nữa”.

Thâm nhập hệ thống xử lý rác thải

Để có góc nhìn khách quan, chúng tôi tiếp cận hệ thống xử lý rác thải ở các bệnh viện nói trên và nhận thấy sự bức xúc của người dân là có cơ sở.

Khu vực phía sau BVĐK Can Lộc không thể canh tác lúa hay các cây trồng khác.
Khu vực phía sau BVĐK Can Lộc không thể canh tác lúa hay các cây trồng khác.

Tại BVĐK Hương Khê, ngay sau khi làm việc với ban lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi được một cán bộ phòng chống nhiễm khuẩn dẫn đến khu vực lò đốt để “thị sát”. Chỉ có khoảng 20 kg rác y tế độc hại được tập kết xung quanh lò đốt công nghệ Nhật Bản còn… mới cóng mặc dù đã sử dụng được 2 năm với công suất 2 lần/tuần, mỗi lần 50-70 kg (số liệu do ông Trần Thanh Hùng - Phó Giám đốc bệnh viện cung cấp). Nếu như ở các lò đốt khác chỉ có 1 người chuyên trách việc đốt thì ở đây có 4 người tham gia, trong khi theo chúng tôi nhận thấy, các thao tác của người trực tiếp cho rác vào lò còn vụng về, không chuyên nghiệp và thiếu an toàn. Không đồ bảo hộ, không kính mắt, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với kim tiêm, dây truyền dính đầy máu trong khi chỉ được ngăn cách qua một vài lớp bao nilon.

Điều đáng nói, theo quan sát của chúng tôi, khu vực xung quanh lò đốt có nhiều dấu hiệu “tố cáo” việc đốt ngoài lò như người dân phản ánh: một mảng cỏ khoảng 2m2 bị cháy lem nhem, trên đó còn có dấu tích của dây truyền, băng gạc chưa cháy hết. Nhưng khi thắc mắc với cán bộ đi cùng thì nhận được câu trả lời không mấy thuyết phục: “chắc do đốt nhầm”(?!).

Tiếp tục “mục sở thị” BVĐK Can Lộc, khu vực phía Nam bệnh viện có một lò gạch bám đầy khói đen. Mặc dù có treo biển “Khu chứa chất thải độc hại” nhưng khi quan sát phía trong thì không khác gì một lò đốt rác thủ công, rác thải y tế vứt ngổn ngang, xỉ than sót lại tương đối nhiều. Được biết, cuối năm 2013, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Can Lộc đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại đơn vị này, qua kiểm tra, phát hiện mặc dù được trang bị lò đốt chất thải y tế (công suất 45 kg/giờ, bằng nhiên liệu diezel) nhưng bệnh viện lại sử dụng lò đốt thủ công.

Tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh, theo bà Lê Thị Cầu - Thư ký hội đồng chống nhiễm khuẩn: “Bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Pháp nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động nên hiện tại nước thải vẫn đang được xử lý bằng các bể phốt, bể lắng có khử qua Cloramin B”. Tuy nhiên, được biết, lượng nước thải sau khi được xử lý hiện đang đổ chung vào hệ thống mương, cống thoát nước trong khi hệ thống này chưa xây dựng xong (dự án đô thị loại 2 - ADB giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2008-2010 trên 5 hệ thống kênh mương chính có đi qua khu vực bệnh viện) nên việc bốc mùi khó chịu như người dân phản ánh là có nguyên nhân.

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast