Nhức nhối thực trạng chất thải y tế (bài 2): Quy chế quản lý - có như không!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù Bộ Y tế đã có Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế và nhiều văn bản khác trong lĩnh vực này, song, thực tế việc xử lý rác thải tại hầu hết các bệnh viện trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn nhiều bất cập.

>>bài 1: Dân “kêu trời” vì… rác!

Lò đốt tiền tỷ chỉ để…“ngắm”?!

Như đã đề cập ở bài trước, dù đã đầu tư xây dựng lò đốt rác và hệ thống xử lý nước thải, nhưng không ít bệnh viện vận hành lò đốt không đúng quy trình. Tại các bệnh viện chúng tôi có điều kiện thâm nhập (bệnh viện đa khoa Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, Lộc Hà) đều dễ dàng tìm thấy những mẩu bông, băng, gạc, ống truyền, kim tiêm… cháy dở ở những lò cũ xây bằng gạch hay những bãi mùn trong khuôn viên bệnh viện...

Việc đốt rác thải y tế bằng lò gạch vẫn thường xuyên diễn ra tại BVĐK Hương Sơn mặc dù đơn vị này đã đưa vào sử dụng lò đốt rác công nghệ Nhật Bản từ đầu năm 2014.
Việc đốt rác thải y tế bằng lò gạch vẫn thường xuyên diễn ra tại BVĐK Hương Sơn mặc dù đơn vị này đã đưa vào sử dụng lò đốt rác công nghệ Nhật Bản từ đầu năm 2014.

Khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề này, anh Thái Hữu Mạo - người phụ trách chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lộc Hà phân trần: “Việc rác đốt ngoài khu vực quy định là do sinh viên thực tập gom rác và không biết nên các em tự đốt”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rác ở bãi đốt này không chỉ được tập kết trong ngày mà đã được đưa về từ một, thậm chí từ vài ngày trước. Tại chỗ đốt rác có khá nhiều tấm phim X.Quang đã bị đất vùi lấp một phần, dấu đất đã cũ, ống xi lanh, kim tiêm, bông băng, gạc… cũng được vứt một cách bừa bãi. Ở bệnh viện Hương Sơn, chúng tôi cũng phát hiện dấu tích của việc đốt rác y tế tại lò đốt bằng gạch vốn để dùng đốt rác thải sinh hoạt…

Tại bệnh viện Vũ Quang và Hương Khê, chúng tôi được chứng kiến việc đốt rác trong lò nhưng lại hoàn toàn không đúng quy trình. Rác dù được phân loại cụ thể từ các khoa, phòng nhưng khi về lò thì được cho vào đốt cùng lúc, trong khi theo quy định thì cần phải đốt riêng từng loại để đảm bảo hiệu quả tối đa và tránh gây khói, hạn chế ô nhiễm môi trường...

Chai lọ thủy tinh sử dụng trong y tế cũng được nhiều bệnh viện cho vào lò đốt nhưng nhiệt độ tối đa của lò chỉ đạt khoảng 1200 độ C, trong khi nhiệt độ nóng chảy của vật liệu này có khi trên 2000oC (nhiệt độ nóng chảy của thủy tinh không ổn định) nên sau khi đốt, vẫn còn nhiều chai lọ không cháy hoặc cháy không hết. Các bệnh viện thường “hậu” xử lý bằng cách đào hố chôn các xỉ thải này. Việc chôn lấp lại đặt ra vấn đề có thể gây ra những hình thức ô nhiễm khác như ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, chôn lấp không thể áp dụng để xử lý triệt để các loại chất thải y tế độc hại.

Điều đáng nói là Bộ Y tế đã có khuyến cáo cũng như hướng dẫn xử lý rác thải thủy tinh bằng phương pháp cán nhỏ và có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng. Phương pháp này được BVĐK tỉnh áp dụng từ lâu và cho thấy hiệu quả. Ông Lê Quế - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Một máy cán thủy tinh giá chỉ vài triệu đồng, trong khi thủy tinh sau khi cán nhỏ có thể tận dụng để đổ thành các tấm bê tông dùng lát nền khuôn viên bệnh viện, tiết kiệm chi phí xây dựng. Dường như, các khuyến cáo hướng dẫn xử lý rác thải thủy tinh của Bộ Y tế chưa đến với một số bệnh viện ở Hà Tĩnh.

Theo quy chế quản lý chất thải y tế (ban hành kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BYT), thời gian lưu giữ chất thải trong các cơ sở y tế không quá 48 giờ; trong nhà bảo quản lạnh hoặc thùng lạnh có thể đến 72 giờ; chất thải giải phẫu phải chuyển đi chôn hoặc tiêu hủy hàng ngày. Tuy nhiên, đa phần các bệnh viện do lượng rác không nhiều nên mỗi tuần chỉ tiến hành đốt rác 1-2 lần, dẫn đến rác thải y tế lưu giữ trong bệnh viện thường nhiều hơn 48 tiếng, có khi 1 tuần.

Bất cập trong quy hoạch, xây dựng…

Theo thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ TN&MT (có hiệu lực từ ngày 1/3/2013), đối với lò đốt chất thải công nghiệp: “Chiều cao ống khói phải được tính toán phù hợp, đảm bảo yêu cầu về chất lượng không khí xung quanh khi phát tán vào môi trường không khí, nhưng không được thấp hơn 20m tính từ mặt đất. Trường hợp trong phạm vi 40m tính từ chân ống khói có vật cản lớn (như nhà, rặng cây, đồi...) thì ống khói phải cao hơn tối thiểu 3m so với điểm cao nhất của vật cản”.

Đốt rác y tế bừa bãi tại BVĐK Lộc Hà.
Đốt rác y tế bừa bãi tại BVĐK Lộc Hà.

Nhưng thực tế, ống khói lò đốt rác của các bệnh viện chỉ khoảng 10m, riêng BVĐK tỉnh đã nối thêm ống khói nhưng chiều cao vẫn chỉ khoảng 12-13m. Ống khói thấp chính là một trong những nguyên nhân khiến khói đốt bay vào khu dân cư, gây bức xúc cho người dân. Thông tư có hiệu lực đã hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa thấy các bệnh viện thực hiện việc nối ống khói để đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Bệnh viện TP Hà Tĩnh đi vào hoạt động từ tháng 2/2013 nhưng cho đến thời điểm này, hệ thống xử lý nước thải mới chỉ “sắp” được cấp giấy phép xả thải. Điều này đồng nghĩa bệnh viện vẫn hoạt động và xả thải khi chưa có đánh giá, thẩm định tác động đối với môi trường. Đáng bàn hơn là thái độ thiếu quan tâm của những người có trách nhiệm trực tiếp. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Nước thải bệnh viện sau khi lắng lọc sẽ được thoát ra môi trường bằng cống nào, thì anh Lê Hữu Hà - người phụ trách xử lý điện, nước của bệnh viện dẫn đi vòng vèo và kết quả là không tìm thấy. Sau cùng, anh Hà gọi điện cho một người có trách nhiệm ở BVĐK thành phố Hà Tĩnh thì nhận được câu trả lời: “Nước thải được thoát ra bằng cống ngầm”(?!).

Một bất cập nữa, rác thải y tế của BVĐK thành phố Hà Tĩnh vận chuyển qua BVĐK tỉnh để đốt nhưng không có xe chuyên dụng mà thường thuê xích lô để chở trong khi Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ TN&MT quy định rõ: Chất thải y tế nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, bảo đảm vệ sinh.

Thực tế cho thấy, quá trình vận hành, xử lý rác thải của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiện đang theo cách “truyền thống” mà chưa thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế và Bộ TN&MT.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast