Viết tiếp bài “Hương Khê nóng chuyện đất rừng” (Bài cuối): Một số vấn đề cùng quan tâm

(Baohatinh.vn) - Trong đơn kiến nghị, các cựu chiến binh ở Hương Khê mong muốn làm sáng tỏ thêm một số vấn đề liên quan đến nguyên nhân dẫn tới tình trạng chặt phá, xâm chiếm rừng trái phép, những bất cập trong công tác giao đất gắn với giao rừng. Đây là nguyện vọng chính đáng nhưng chưa được phản ánh đầy đủ ở các bài viết trước nên chúng tôi đã mở rộng một số nội dung cùng quan tâm...

>> Bài 1: Báo Hà Tĩnh phản ánh không sai sự thật!

Có thể khẳng định rằng, dù bất cứ lý do gì thì việc các hộ dân lấn chiếm đất rừng là hoàn toàn trái pháp luật, phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời vì nó đang gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT, hoạt động SXKD của doanh nghiệp, nhiệm vụ chính trị của các chủ rừng và sinh kế của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để dẫn tới tình trạng này có lỗi từ nhiều phía nên các bên liên quan cần phải xem xét, nhận thức rõ trách nhiệm để cùng vào cuộc giải quyết có hiệu quả.

Lực lượng kiểm lâm Hương Khê kiểm tra thực trạng lấn chiếm và công tác bảo vệ, PCCCR.
Lực lượng kiểm lâm Hương Khê kiểm tra thực trạng lấn chiếm và công tác bảo vệ, PCCCR.

Theo đó, ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì việc để rừng bị lấn chiếm tràn lan, trách nhiệm thuộc về các chủ rừng khi họ thiếu biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, tổ chức lực lượng để bảo vệ, tuần tra, ngăn chặn chưa tốt, hiệu quả không cao nên không bảo vệ được tài sản của mình. Để xẩy ra các “điểm nóng” trên, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng; trong quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp còn thể hiện sự lúng túng, yếu kém.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, quy định về đất đai, rừng và chiến lược phát triển cây cao su để người dân hiểu, đồng thuận và chấp hành. Khi xẩy ra lấn chiếm, tranh chấp, chính quyền cấp xã, huyện vào cuộc chậm, thậm chí để người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật mà không xử lý kịp thời, không có các biện pháp đồng bộ nên tình hình ngày càng phức tạp...

Qua khảo sát thực tế cho thấy, Hương Khê là huyện có nhiều rừng và đất lâm nghiệp nhất tỉnh với trên 100.608 ha nhưng phần lớn diện tích lại do 6 chủ rừng quản lý với tổng diện tích chiếm khoảng 87%. Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, đến cuối năm 2013, toàn huyện mới chỉ giao được 8.879 ha cho 1.797 hộ và hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo giao 3.432 ha do UBND các xã quản lý cho các hộ dân có nhu cầu theo tinh thần của đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2013–2015. Qua đó, có thể thấy rằng, diện tích rừng được giao cho dân còn rất ít, tiến độ giao đất gắn với giao rừng chưa đảm bảo. Điều này dẫn tới nghịch lý, các chủ rừng sử dụng không hết quỹ đất trong khi người dân có nhu cầu lại không có tư liệu sản xuất nên việc lấn chiếm là khó tránh khỏi.

Anh Đào Quang Hợp (xóm 11, xã Hòa Hải) thẳng thắn bày tỏ: “Gia đình chúng tôi hiện có 5 khẩu nhưng chỉ được 14 thước đất sản xuất, mỗi năm chỉ có 3 tạ thóc nên rất muốn được nhận đất rừng để mưu sinh. Tuy nhiên, nhu cầu bức thiết này chưa được quan tâm xử lý. Gia đình tôi và rất nhiều hộ sống ven rừng nhưng lại không có rừng để canh tác. Trong khi đó, xã lại tiến hành cho thuê hàng trăm ha đất rừng để trồng cao su, các ý kiến và nguyện vọng của nhân dân không được xem xét, xử lý nên chúng tôi không còn cách nào khác là vào ngăn cản, lấn chiếm của doanh nghiệp. Cũng như nhiều người khác, tôi ý thức được việc khi chưa được giao đất đã tự ý vào sẻ phát là sai và thực chất chúng tôi cũng không có ý định lấn chiếm nhưng do thiếu đất sản xuất và bất bình trước cách làm của chính quyền địa phương nên mới có hiện tượng này”.

Đặc biệt, qua quá trình xác minh ý kiến bạn đọc, chúng tôi thấy, thực tiễn giao đất, giao rừng ở Hương Khê còn nhiều bất cập, hạn chế. Ở một số nơi, tư liệu sản xuất được giao chưa đúng đối tượng, một số hộ không đủ điều kiện và tiêu chuẩn nhưng vẫn được nhận giao khoán, trong khi những người dân gần rừng và cần đất sản xuất lại chưa được giao. Nhưng điều khiến người dân mất niềm tin và bức xúc nhất là khi tiến hành công tác giao đất, giao rừng đây đó còn có hiện tượng một số cán bộ địa phương lợi dụng chủ trương chung để giao đất cho người thân, gia đình, trong khi đó có rất nhiều hộ khác thuộc diện cần được ưu tiên giao đất lại chưa nhận.

Ngoài nhiều trường hợp được các cựu chiến binh phản ánh trong đơn kiến nghị ở Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh và một số địa phương khác mà chúng tôi không có điều kiện làm rõ thì chỉ riêng tại “điểm nóng” Hòa Hải đã có tới 8 trường hợp là người thân của cán bộ chủ chốt xã được giao đất với tổng diện tích trên 41 ha...

Nguyện vọng người dân sống ven rừng phải được giao khoán đất rừng để sản xuất là chính đáng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới lấn chiếm đất rừng tràn lan cũng đã rõ, vì vậy, quá trình xử lý các vụ việc trên cần phải hợp lý, hợp tình, hài hòa quyền lợi của các bên. Trước mắt, chính quyền địa phương, chủ rừng và các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm lấn rừng để tình hình không phức tạp thêm. Cùng đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành trong các vấn đề có liên quan.

Trong trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì việc xử lý cần phải được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị là thực hiện theo hướng “giao lại địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Theo đó, số diện tích đang bị lấn chiếm, tranh chấp này chính quyền phải thu hồi, tuyệt đối không để nguyên hiện trạng và hợp thức hóa quyền sử dụng đất. Sau khi tình hình ổn định thì mới có phương án chia lại số tư liệu sản xuất này theo phương châm ưu tiên tối đa cho người dân ven rừng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Về phía các chủ rừng, nhất là doanh nghiệp, cần điều chỉnh quy hoạch, chia sẻ quyền lợi với nhân dân sở tại để tiếp tục hợp tác làm ăn lâu dài, giảm thiểu thiệt hại, xích mích không đáng có trong quá trình SXKD, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast