Hiệu quả thiết thực từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân tỉnh hiện quản lý 7,55 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND); trong đó nguồn T.Ư Hội 7,250 tỷ đồng, nguồn do Hội Nông dân tỉnh huy động 306 triệu đồng. Quỹ HTND đã cho 2.820 lượt hộ vay, góp phần giúp 2.535 lao động có thêm việc làm, XĐGN, xây dựng NTM...

Qũy được cho vay theo phương án SXKD nhóm hộ ở cơ sở, mỗi chu kỳ cho vay 2-3 năm/mô hình dự án. Qua đó, hàng năm, Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh. Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ 1-2 con/hộ, nhờ được vay vốn Quỹ HTND đã hình thành nhóm hộ chăn nuôi lợn, mỗi hộ nuôi 5-40 con, 10-15 hộ/nhóm.

Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hồ Phúc Lâm ở xóm Cứu Quốc, xã Thuần Thiện (Can Lộc) cho thu nhập ổn định
Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hồ Phúc Lâm ở xóm Cứu Quốc, xã Thuần Thiện (Can Lộc) cho thu nhập ổn định

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Đề (thôn Yên Lợi, xã Xuân Yên, Nghi Xuân) trước đây làm nghề phụ hồ, kết hợp với chăn nuôi lợn từ 5-7 con/năm. Đầu năm 2012, nhờ được vay 25 triệu đồng từ Quỹ HTND, anh chị đã mạnh dạn xây dựng chuồng, nuôi 30 con/lứa, có lứa 43 con. Ngoài nuôi lợn, gia đình chị còn thường xuyên nuôi hơn 100 con gà thịt. Từ thành công của việc nuôi lợn, cuối tháng 9/2013, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng và mua 800 con gà giống về nuôi.

Ông Nguyễn Văn Đức (xóm Yên Hải, xã Xuân Yên) cho biết, năm 2008, sau khi được vay vốn từ Quỹ HTND, ông đã bắt tay ngay vào việc xây dựng chuồng nuôi lợn. Mỗi lứa, ông nuôi 20-25 con; mỗi năm, xuất chuồng hơn 3.600 kg lợn hơi. Cũng như gia đình chị Đề, từ thành công của việc nuôi lợn, cuối tháng 9/2013, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng và mua 500 con gà giống về nuôi. Ở xã Xuân Yên, không riêng gì gia đình chị Đề, ông Đức mà có 25 hộ được vay vốn từ Quỹ HTND để phát triển chăn nuôi lợn quy mô vừa.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Đình Việt (xóm 7, xã Thạch Bằng, Thạch Hà) vào lúc ông cùng tốp thợ đang xây dựng thêm chuồng để nuôi lợn và gà. Tạm dừng công việc, ông cho biết, trước đây, ông làm nghề khai thác đá, còn vợ bắt hàu, bắt hến về bán, thu nhập chẳng đáng là bao. Biết nghề đá rất nguy hiểm, tốn nhiều công sức, mỗi tuần chỉ làm được 3 ngày, nhưng không có việc gì làm, đành phải đi để kiếm sống. Từ khi Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân mở lớp dạy nghề chăn nuôi, ông đã chăm chú theo học. Sau 3 tháng học xong, được vay vốn, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng, mua con giống về nuôi, mỗi lứa từ 35-40 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gia đình thu 10 triệu đồng. Vợ chồng ông xây dựng thêm chuồng để mở rộng quy mô và nuôi thêm gà.

Ông bà cho biết, tuy chăn nuôi lãi không nhiều nhưng thu nhập cao hơn nhiều so với nghề làm đá và bắt hàu trước đây. Chị Nguyễn Thị Hoài Thương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, nhờ được đào tạo nghề và cho vay vốn, trên địa bàn xã có 30 gia đình mở rộng chăn nuôi.

Nhờ được giúp đỡ, gia đình bà Đậu Thị Thành (xóm Tiền Tiến xã Thạch Môn) đã có thêm tiền mua một con bò trị giá hơn 15 triệu đồng về nuôi. Ảnh: Trí Thức
Nhờ được giúp đỡ, gia đình bà Đậu Thị Thành (xóm Tiền Tiến xã Thạch Môn) đã có thêm tiền mua một con bò trị giá hơn 15 triệu đồng về nuôi. Ảnh: Trí Thức

Chị Nguyễn Thị Nga (xóm 11, xã Sơn Giang, Hương Sơn) chia sẻ: Đầu năm 2012, được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND, cùng với số tiền tích lũy được, anh chị đã xây dựng thêm chuồng, mua thêm hươu về nuôi. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị thu được 50 triệu đồng từ bán nhung và hươu giống. Xã Sơn Giang có 17 hộ được vay 400 triệu đồng để phát triển nuôi hươu, quy mô 5-16 con/hộ; xã Đức Long (Đức Thọ) có 17 hộ được vay 350 triệu đồng, quy mô 5-12 con/hộ. Quỹ HTND đã góp phần nâng tổng đàn hươu, hình thành các tổ nhóm nuôi hươu trên địa bàn một số huyện.

Nhằm thực hiện định hướng phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, Quỹ HTND đã thực hiện cho vay phát triển chăn nuôi lợn kết hợp lắp đặt bể biogas. Thời gian qua, mô hình này đã được xây dựng thành công ở xã Hương Thủy (Hương Khê). Một số nơi thành lập tổ hợp tác sản xuất, quy mô chăn nuôi lợn tăng lên 15-20 con/hộ. Tiêu biểu là các xã: Cẩm Lĩnh, Cẩm Bình, Cẩm Vĩnh (Cẩm Xuyên); Khánh Lộc (Can Lộc); Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh); Xuân Yên (Nghi Xuân); Đức Thanh (Đức Thọ); Hương Trạch, Hương Thủy, Hương Vĩnh (Hương Khê); Thạch Điền (Thạch Hà).

Quỹ còn hỗ trợ mô hình nuôi gà thả vườn ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) với 26 hộ tham gia, quy mô trung bình 200 con/hộ, có hộ nuôi đến 800 con; mô hình nuôi gà liên kết với Công ty TNHH Thương mại Hoàng Long ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân), tổ hợp nuôi cá chẽm trên sông ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) nhóm nuôi nhím ở Quang Lộc (Can Lộc); nhóm sản xuất mộc ở Xuân Phổ (Nghi Xuân); nhóm phát triển trồng cam bù ở Sơn Trường (Hương Sơn); nhóm chế biến nước nắm ở Thạch Kim (Lộc Hà)...

Bên cạnh việc cho vay phát triển sản xuất, BQL Quỹ HTND còn chú trọng tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả; thực hiện đúng các quy định quản lý quỹ, thu hồi nợ đến hạn… nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn quỹ, góp phần giúp hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast