Hoàng thành Thăng Long- Di sản văn hoá thế giới, niềm tự hào của dân tộc

Sự kiện Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) vào ngày 1-8 vừa qua đã nhân lên niềm vui, niềm tụ hào của người dân trên mọi miền Tổ quốc trước thềm Đại lễ ngàn năm Thăng Long.

Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: gdtd.vn

Như những đứa con xa hướng tâm về nguồn cội, giữa những ngày tháng Thủ đô tưng bừng náo nức trong mùa thu lịch sử, chúng tôi đã có mặt tại điện Kính Thiên- Đoan Môn thuộc khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long để chiêm ngưỡng các di vật, di chỉ và hiểu thêm một phần trong tầng tầng những giá trị văn hiến mà các triều đại Lý,Trần, Hồ ,Lê , Mạc, Trịnh, Nguyễn trong suốt một thiên niên kỷ đã tạo dựng nên.

Bà Ngô thị Thanh Hằng - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà nội cho biết: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Uỷ ban di sản thế giới công nhận dựa trên 3 đặc điểm nổi bật toàn cầu.

Đó là những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hoá lâu đời, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thuỷ, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban)… để tạo dựng nên những nét độc đáo sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.

Hà Nội xưa với tàu điện leng keng, leng keng...Ảnh: nguoihanoi.com.vn

Thứ 2, những tầng văn hoá khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, pháp luật, kinh tế và văn hoá trong gần 1000 năm. Trên thế giới hiếm có một di sản nào thể hiện được như vậy.

Thứ 3, di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tốc trên thế giới.

Phạm vi đuợc công nhận DSVHTG gần 20 ha trong tổng số 140 ha của Hoàng Thành, gồm khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu và khu vực được giới hạn bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu.

Từ năm 866 đên 1009, Hoàng Thành có tên gọi là Đại La hay Long Đỗ ( có La Thành bao quanh). Năm 1009, vua Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, với tầm nhìn của một vị minh quân, ông đã quyết định dời đô về Đại La. Trong “Chiếu dời đô”, nhà vua ca ngợi: Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rộng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện nhìn sông dựa núi. Và ông đã nhận định sức sống trường tồn của một trung tâm chính trị, quân sự và văn hoá cho chiều dài hàng nghìn năm: Thật là chốn hội tụ trọng yếu của 4 phương đất nước, cũng là Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Tương truyền lúc thuyền rồng về đến kinh thành thì nhà vua nhìn thấy con rồng bay lên nên đổi thành Thăng Long, Tên gọi ấy đồng thời cũng thể khát vọng tự chủ, vươn cao và vươn xa, trở thành một đất nước phồn thịnh huy hoàng của ông vua đấu tiên triều Lý và cũng là khát vọng của những triều đại về sau.

Rồng thời Lê trên 9 bậc thềm điện Kính Thiên. Ảnh: MH

Rồng thời Lê trên 9 bậc thềm điện Kính Thiên. Ảnh: MH

Từ năm 1010 cho đến 1397, gần 4 thế kỷ, trải qua 8 đời vua Lý và các đời vua Trần, Hoàng Thành vẫn giữ nguyên tên gọi Thăng Long. Cho đến năm 1397, Hồ Qúy Ly lên ngôi và chuyển kinh đô về Thanh Hoá (Tây Đô), đổi Thăng Long thành Đông Đô. Từ năm 1408 đến 1787, thời kỳ nhà Lê, Đông Đô đổi thành Đông quan rồi Đông Kinh. Từ năm 1787 đến 1802 đổi thành Bắc Thành và đến năm 1802 lại đổi thành Thăng Long. Năm 1831, vua Minh Mạng nhập thành Thăng Long cũ với các huyện, phủ xung quanh và đổi thành Hà Nội. Tên gọi ấy được giữ cho đến ngày nay.

Các triều đại Lý, Trần, Lê là những triều đại có công xây dựng, mở rộng quy mô, nâng tầm vóc của Hoàng Thành lên cao về mặt tâm linh cũng như quyền lực, để lại những giá trị lớn lao về chính trị, quân sự, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc vv. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động của lịch sử, chính trị và bị giặc ngoại xâm tàn phá nặng nề, dấu vết trên mặt đất còn lại của Hoàng Thành Thăng Long không nhiều, may mắn còn lại chùa Một Cột , Văn Miếu Quốc Tử giám xây dựng thời Lý, điện Kính Thiên, Đoan Môn xây dựng thời Lê, Cửa Bắc, cột cờ xây dựng thời nhà Nguyễn, đền Ngọc Sơn xây dựng thời vua Lê chúa Trịnh... Rất nhiều dấu tích của Hoàng thành cũ qua các triều đại còn lưu lại qua những tên gọi: Giảng Võ, La Thành, Cầu Gỗ, ô Quan Chưởng, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy, Cửa Nam…

Điều may mắn là toàn bộ những gì các triều đại lưu lại trong lòng đất như thềm đã, chân cột, nến của các hậu cung, sân chấu, đại sảnh, “lối xưa xe ngựa”, các hoạ tiết trang trí, đồ gốm, gạch, sỏi, giếng nước v.v đều rất phong phú, đồ sộ, đa dạng, phản ảnh tư duy chính trị, tầm nhìn quân sự, tầm vóc văn hoá, quan niệm tâm linh, trình độ khoa học kỳ thuật, điều khắc, mỹ nghệ…của các vương triều trong 1000 năm lịch sử. Qua các di vật di chỉ có thể thấy tâm hồn Việt Nam trong sáng, cao đẹp tinh tế và nhạy cảm, cái nhìn nhân văn và cả tài hoa của những nghệ nhân nhiều ngành nghề hội tụ về kinh đô.

Được đặt chân lên nền điện Kính Thiên, trung tâm tế lễ của các đời vua, ngắm nhìn 2 con rồng chầu ở cửu trùng (9 bậc đá) đúng lúc diễn ra lế nhập linh 1000 rồng đúc bằng đồng của Công ty mỹ nghệ Đông Sơn, chúng tôi vô cùng xúc động, tự hào. Dòng chảy của thời gian không ngừng không nghỉ, bao biến thiên của đất trời, hoạ ngoại xâm và cả những cuộc nội chiến đã xoá nhà gần như dấu vết trên mặt đất của thành quách, lâu đài, cung điện nhưng những gì thuộc về giá trị của lịch sử, văn hiến của cha ông thì vần trường tồn mãi trong trái tim của những người con nước Việt.

Hà Nội hôm nay. Ảnh: khoanhkhacthanglong.vn

Hoàng Thành đã chứng kiến bao cuộc khảng chiến chống ngoại xâm thắng lợi, tiêu biểu là cuộc kháng chiến chống quân Tống lần 2 do Lý Thường Kiệt chỉ huy, 3 lần thắng giặc Mông Nguyên của vua tôi nhà Trần, sau 10 năm kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi trở về “hoàn kiếm” lại cho rùa thiêng, Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh tan quân Thanh ở Ngọc Hồi, Đống Đa, Hoàng Diệu chống Pháp bảo vệ thành Hà Nội… Và thế kỷ XX, Hoàng Thăng Thăng Long xưa đã chứng kiến sự sụp đổ của thực dân Pháp sau 80 năm đô hộ, sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, bản “Tuyên ngôn Độc Lập” Bác Hồ đọc tại vườn hoa Ba Đình ngày 2-9-1945, chứng kiến đoàn quân náo nức trở về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954 sau cuộc kháng chiến 9 năm kết thúc ở Điện Bìên Phủ. Cũng chính nơi đây, Bác Hồ v à Trung ương Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú hội đủ tinh hoa dân tộc và thế giới, lương tri của thời đại.

Trong tiếng trống hào hùng của lễ nhập linh 100 trống đồng tại Văn miếu Quốc Tử Giám, như những người con nước Việt, chúng tôi vô cùng tự hào về Hoàng Thành Thăng Long- đế đô bậc nhất của muôn đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast