Thức dậy “cánh đồng di sản”

Hệ thống di tích bị xuống cấp trầm trọng, những di sản văn hóa phi vật thể bị mai một và sự tác động của kinh tế thị trường lên đời sống văn hóa cơ sở lại đặt ra muôn vàn khó khăn cho đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa. Tuy vậy, với sự nỗ lực của mình, thời gian qua, ngành Văn hóa đã từng bước thức dậy “cánh đồng di sản”...

Ca trù Cổ Đạm - một trong 16 miền ca trù toàn quốc được UNESCO công nhận di sản phi vật thể của nhân loại.
Ca trù Cổ Đạm - một trong 16 miền ca trù toàn quốc được UNESCO công nhận di sản phi vật thể của nhân loại.

Để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì việc “đánh thức” những di sản văn hóa đang trong tình trạng “ngủ quên” là việc làm cần thiết. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh, nhất là sau khi Luật Di sản ra đời, ngành Văn hóa Hà Tĩnh đã tăng cường công tác kiểm kê, đánh giá hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Đến năm 2000, Sở VH–TT&DL đã tiến hành kiểm kê, đánh giá trên 500 di tích và hơn 20 di sản phi vật thể. Việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh về kiểm kê, đánh giá hệ thống di sản trên địa bàn Hà Tĩnh và các hội thảo khoa học về danh nhân, vùng đất có mối quan hệ với di sản văn hóa... cũng được chú trọng. Những bước chân miệt mài khắp nẻo quê hương đã đánh thức những giá trị còn nằm sâu trong lòng đất. Hàng ngàn sắc phong, cổ vật, báu vật trên địa bàn đã được phát hiện, đặc biệt là các di chỉ như: di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân), di chỉ Thạch Lạc (Thạch Hà), nền Trang Vương (Can Lộc), hệ thống mộ thuyền (ven chân núi Hồng Lĩnh), lũy đá Kỳ Anh, báu vật vua Hàm Nghi (Hương Khê)… cũng dần được khai quật, nghiên cứu và khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.

Nếu như việc kiểm kê, đánh giá đã khẳng định được tiềm năng di sản của quê hương thì việc thành lập hồ sơ, xếp hạng lại là một việc quan trọng nhằm phát huy giá trị di sản. 15 năm qua, đã có tới 322 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 73 di tích cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được ngành quan tâm khôi phục, bảo tồn. Sau nhiều nỗ lực, làn điệu ca trù Cổ Đạm và phong trào hát ca trù ở Nghi Xuân đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Nhiều hội thảo về ca trù Cổ Đạm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu văn hóa trong nước. Những làn điệu cổ của ca trù Cổ Đạm cũng đã khẳng định được vị thế của mình tại các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc. Và quan trọng hơn cả là ca trù Cổ Đạm cùng với 15 miền ca trù cổ khác trong cả nước đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Gần đây, với sự nỗ lực sưu tầm, phục dựng không gian diễn xướng và các làn điệu dân ca ví, giặm, loại hình văn hóa dân gian này cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bà Phan Thư Hiền - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, cả 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đều đang nỗ lực phát huy các CLB dân ca ví, giặm tại các địa phương. Chúng tôi cũng đã hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề nghị tổ chức UNESCO công nhận “Dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Thực trạng xuống cấp, mai một, thất truyền của các di sản văn hóa trên địa bàn cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong quá trình phát huy giá trị văn hóa tinh thần cha ông để lại. Chính vì thế, ngành Văn hóa cũng rất coi trọng công tác trùng tu, tôn tạo, sưu tầm, phục dựng các di tích cũng như những lễ hội, làn điệu dân ca... Cùng với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch về các di tích sau khi được xếp hạng, ngành đã tranh thủ tối đa các nguồn lực như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng văn hóa, nguồn hỗ trợ có mục tiêu về văn hóa. Nhờ đó, một số di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo xứng tầm như: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Trần Phú, Hà Huy Tập, hệ thống di tích về Phan Đình Phùng, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích Xô-viết Nghệ Tĩnh… Bên cạnh đó, một số lễ hội, làn điệu dân ca cũng được đầu tư sưu tầm, phục dựng.

Việc huy động vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa cũng mang lại hiệu quả rất lớn trong vấn đề này. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, những tấm lòng hào hiệp, từ tâm đã tìm về quê hương Hà Tĩnh và đầu tư xây dựng, tôn tạo nhiều hạng mục công trình ở các di tích như: Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương (Can Lộc), chùa Phong Phạn (Nghi Xuân), chùa Thanh Lương Trúc Lâm (Lộc Hà) v.v… cùng rất nhiều nhà thờ dòng họ khắp mọi miền quê hương. Đến nay, ngoài những di tích gắn với dòng họ được con cháu trực tiếp chăm sóc, bảo vệ thì những di tích thuộc các cấp xã, huyện, tỉnh quản lý cũng đều có ban quản lý .

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 và Nghị quyết 11 NQ/T.U, từ chỗ là một địa phương mà hầu hết các di tích đều bị xuống cấp, thậm chí đã thành phế tích, Hà Tĩnh đã khôi phục được nguồn tài nguyên vô giá phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Những giá trị văn hóa tinh thần được bảo tồn và phát huy đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ để trong sự tiếp biến văn hóa, để hồn cốt quê hương luôn có một chỗ đứng vững chãi trong đời sống hiện đại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast