Ứng xử với di tích: Cần hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại

Vấn đề mà ngành VH-TT&DL cũng như mỗi người dân quan tâm, đó là việc hài hòa giữa yếu tố truyền thống, hay còn gọi là bản sắc với yếu tố hiện đại trong việc trùng tu, tôn tạo di tích...

Hà Tĩnh có hệ thống di tích khá phong phú với 73 di tích quốc gia (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt) và 322 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Bộ VH-TT&DL, của tỉnh và các nhà hảo tâm, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy tác dụng là tấm gương phản chiếu lịch sử, là địa chỉ văn hóa thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, thưởng ngoạn và chiêm bái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề mà ngành VH-TT&DL cũng như mỗi người dân quan tâm, đó là việc hài hòa giữa yếu tố truyền thống, hay còn gọi là bản sắc với yếu tố hiện đại trong việc trùng tu, tôn tạo di tích; đồng thời thể hiện sự trân trọng di tích thông qua hành động bảo vệ hiện vật và cảnh quan môi trường của người dân.

Về với lễ hội chùa Chân Tiên là về với tình yêu khát vọng và lòng yêu thương con người để cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ tốt lành, cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc đời đơm hoa kết trái. Ảnh TL
Về với lễ hội chùa Chân Tiên là về với tình yêu khát vọng và lòng yêu thương con người để cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ tốt lành, cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc đời đơm hoa kết trái. Ảnh TL

Về công tác trùng tu tôn tạo di tích, khi đến thăm nhiều khu di tích, lăng mộ, nhà thờ, chúng ta vẫn nhận ra những nét “hiện đại hóa” không phù hợp, thiếu hài hòa, làm cho người tham quan có cảm giác như đang đi vào những công trình mới xây mà khó lòng tìm về được nét nguyên bản, sơ cổ và chân thực của nó. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc mỗi năm thu hút hàng vạn lượt người, nhất là thanh thiếu niên đến tham quan và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Đáng tiếc là hiện trường hố bom chi chít “mỗi mét vuông chịu 3 quả bom cày đi xới lại” như sử sách ghi lại đã không còn chút dấu vết. Những ai không có điều kiện vào ban quản lý nghe thuyết minh và xem ảnh, phim tư liệu thì rất khó hình dung chiến trường ác liệt ngày xưa khi dạo bước trên những khuôn viên, cây cối, tượng đài… Được biết, BQL Khu di tích đã giữ lại một số hố bom bảo tồn hiện trường nhưng hầu như chúng bị khuất chìm giữa rừng cây dại. Hệ thống hầm cá nhân được phục dựng lại nằm ở vị trí chìm khuất nên không mấy ai đặt chân đến. Khu mộ 10 nữ anh hùng TNXP được nâng cấp, trùng tu rộng rãi, sang trọng với sân nền lát đá, xi măng sạch sẽ và đầy đủ các vật dụng của các liệt nữ trước đây… Tuy vậy, người thăm viếng vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Ngày chưa tôn tạo, nhà thơ Nguyễn Văn Hùng đã viết: “Mười ngôi mộ, mười phím đàn dưới cỏ” nhưng gần chục năm nay, ai đến đó vào chừng giữa trưa hè cũng cảm thấy nắng nóng dội lửa vào khu mộ. Cần phải có bóng râm, cỏ và hoa trồng xung quanh mộ các cô gái…

Viết những dòng này, tôi cũng liên tưởng đến Khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Thơ ông viết luôn đầy ắp hình ảnh cỏ và hoa. Khi chưa tôn tạo, mộ ông có hoa và cỏ bao quanh, làm người ta gợi nhớ hình ảnh: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Ấy vậy mà hơn chục năm nay, mỗi lần đến thăm khu mộ thi nhân được tôn tạo hiện đại và sang trọng với gạch lát và bê tông sang trọng, không riêng gì tôi, nhiều người cứ thấy tiếc và nhớ đến đám cỏ và cây hoa ấy giữa không gian đồng nội Tiên Điền.

Chứng kiến những cảnh trên, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một anh bạn tiến sĩ ở Nga: Ngày 7/9/1812, quân Nga do Nguyên soái Cu-tu-dốp chỉ huy giao tranh với quân

Na-pô-lê-ông trên cánh đồng Bô-rô-đi-nô. Đó là một trận huyết chiến với 32 ngàn quân của cả 2 bên và 16 ngàn người tử trận. 200 năm đã trôi qua, mọi di tích trên cánh đồng vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Những lá cờ, những lệnh chỉ huy, những sắc phong và quần áo sĩ quan, binh sĩ, súng ống vẫn còn nguyên vẹn trong các bảo tàng nên khi vào tham quan, người xem có cảm giác như trận chiến vừa mới diễn ra hôm qua.

Không chỉ bất cập, thiếu hợp lý trong việc trùng tu, tôn tạo các công trình, thái độ ứng xử của người dân đối với các khu di tích hiện nay cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Mặc dù đã được nhắc nhở và có chuyển biến so với trước, nhưng cảnh người người chen lấn thắp hương nghi ngút, nói cười bỗ bã, ăn mặc hở hang tại các khu di tích vẫn còn phổ biến. Đó là chưa nói đến hành vi xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan di tích; rồi tranh mua giành bán, mời chào nhao nhác; nạn móc túi, ăn xin tại các lễ hội... Tư tưởng thực dụng vẫn còn rõ nét khi nhiều người đến chùa, đền, miếu chỉ để cầu xin cho bản thân mà không một lời tạ ơn công lao của các bậc tiền nhân, không một lời cầu chúc cho non sông, đất nước và quê hương…

Những thái độ ứng xử như trên đối với di tích rất cần được đưa vào quy định, quy chế quản lý trên cơ sở những nghiên cứu kỹ lưỡng của ngành chức năng và sự quyết tâm của các ban quản lý di tích, để di tích lịch sử văn hóa vừa là tấm gương phản chiếu sinh động những gì ông cha ta đã sáng tạo và cống hiến, đồng thời là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast