Quy hoạch liên vùng biển Hà Tĩnh từ yếu tố văn hóa, lịch sử

(Baohatinh.vn) - Bờ biển Hà Tĩnh dài 137 km, phần lớn bằng phẳng, nhiều cửa biển có vị trí trọng yếu trong giao thương liên kết giữa các vùng miền như Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Thạch Hà, Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Khẩu (Kỳ Anh)...

Xét trên nhiều phương diện, Hà Tĩnh có tiềm năng lớn về biển song chưa được khai thác một cách triệt để. Do đó, cần có một chiến lược quy hoạch tổng thể kết nối các vùng miền, cư dân biển.

Văn hóa cư dân làng biển

Làng biển có 2 loại: Làng biển bãi dọc, tức nói làng ở cạnh cửa sông, vừa giáp biển, vừa giáp sông, còn làng biển ở bãi ngang là nói làng chỉ giáp biển (Theo “Văn hóa làng biển ở Xứ Nghệ” - Ninh Viết Giao).

quy hoach lien vung bien ha tinh tu yeu to van hoa lich su

Biển gọi. Ảnh: Hương Thành

Để tồn tại và phát triển, cư dân ven biển Hà Tĩnh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, nghề nông và tích lũy được kho tri thức thực tiễn, kinh nghiệm, phục vụ lại sản xuất và đời sống. Như cách thức đánh cá có thể đánh bằng lưới, bằng câu, bóng các loại, hiểu biết về dòng hải lưu, thủy triều, con nước, luồng lạch, cửa sông, đầm phá, thiên văn, khí hậu khi đi biển, cách bảo quản, chế biến hải sản, buôn bán, thủ công, chế tạo công cụ đánh bắt, nuôi trồng các loại thủy sản theo mùa… Gắn với quá trình di cư, lao động sản xuất, giao thoa, tiếp biến văn hóa, dân cư vùng biển hình thành nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ thần, chủ yếu là thần Nước, thần Biển, thần Sông, thần Cá hay những nhân thần là người có công với nước, khai sinh ra làng xã và những vị thần có liên quan đến sông nước như Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Sư Hồi, Lý Nhật Quang, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu…

Gắn với đó là các sinh hoạt lễ hội phong phú như lễ hội cầu yên, cầu ngư, lễ giỗ Bà Hải… Nếu như nền văn hóa cảng thị ở Nghi Xuân tạo ra nhiều giá trị vật chất, tinh thần đặc sắc với ca trù Cổ Đạm, hát ví đò đưa, hát ví phường nón, các làng nghề như gốm Cổ Đạm, nón Tiên Điền, bán buôn Giang Đình… thì cũng có thể khẳng định, phong tục, tín ngưỡng của người dân ven biển là cơ sở cho sự hình thành nhiều công trình kiến trúc, đền chùa đặc sắc như đền Hội Thống, Cương Gián (Nghi Xuân), đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Thạch Hà), chùa Chân Tiên, đền thờ Mai Hắc Đế (Lộc Hà), đền Nhượng Bạn (Cẩm Nhượng), đền Loan nương Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh)…

Khí hậu, địa hình, phong tục tập quán, lối sống, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất… đã làm nên tính cách mộc mạc, giản dị, bộc trực mà hào phóng, khát khao chinh phục thiên nhiên. Đây là sức mạnh tinh thần vô giá để cư dân vùng biển phát huy truyền thống, vươn lên trong cơ chế thị trường, kết nối sản xuất bằng các chủ trương, kế hoạch, sự đầu tư của Nhà nước.

Cơ sở xây dựng chiến lược quy hoạch liên vùng biển

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh, Hà Tĩnh không có cảng biển mà chỉ có các cảng cửa sông thông ra biển (trừ cảng Vũng Áng). Do địa hình, khiến nhiều cửa sông, cửa cảng thu hẹp. Cảng Hội Thống là cảng lớn nhất, cổ nhất mang đặc điểm riêng. Tàu thuyền có thể vào neo đậu, trao đổi hàng hóa ở các nơi có luồng lạch với 4 bến thuyền hình thành như Hội Thống - Xuân Phổ - Đền Huyện - Triều Khẩu. Nhờ có hệ thống các cửa sông thông suốt với các vùng biển mà việc phân phối hàng hóa thuận tiện, đảm bảo cho tàu thuyền đi lại an toàn khi bão tố không thể đi lại trên biển. Tuy ngày nay, đã được thay thế bằng hệ thống đường bộ thông suốt, thuận lợi, song đường nối ra biển của một số cửa sông lớn như Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu vẫn duy trì hoạt động.

Từ Cửa Hội đi về phía Nam khoảng 20 km là Cửa Sót, nay đã trở thành đường biên cả về địa giới, hải giới của 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà. Cửa Sót rộng khoảng 700m, trước cửa biển có một chớn cát, nếu nạo vét thì tàu 4 vạn tấn có thể vào đậu được tại Vũng Ông. Lưu lượng nước qua cửa biển này lớn nhất lên đến 3.800 m3/s. Tính từ Cửa Sót qua núi Nam Giới, đường bờ biển huyện Thạch Hà dài khoảng 22 km, tương đối thẳng. Do hàm lượng muối trong nước biển cao nên ngư dân ở đây còn có thêm nghề làm muối (Thạch Bàn).

Khác hẳn với bờ biển các huyện trong tỉnh, bờ biển Kỳ Anh dài 63 km, có nhiều nơi núi mọc lấn ra mé nước nên không có những dải biển ngang dài, rộng. Vào phía Nam Cửa Khẩu, núi lấn ra biển tạo thành những vũng ăn sâu vào đất liền như vũng Do, vũng Ná, vũng Môn. Đặc biệt, Vũng Áng có độ sâu trên 12m, được dãy Cao Vọng che chắn - là bến đỗ của hàng trăm tàu thuyền cỡ lớn trú ẩn khi sóng to, gió lớn. Kỳ Anh có 2 cửa biển đó là Cửa Khẩu và Cửa Nước Mặn. Cửa Khẩu là hợp lưu của các sông lớn nhất huyện, sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam và nhiều khe hói khác rồi đổ ra biển.

Mỗi vùng biển đều có những địa danh gắn với những sự tích, câu chuyện vừa mang tính truyền thuyết, vừa mang tính huyền thoại… thu hút sự tò mò, khám phá của du khách. Đây là lợi thế để Hà Tĩnh phát triển du lịch biển gắn với du lịch tâm linh. Để khai thác những tiềm năng, lợi thế này, tỉnh cần xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển liên vùng biển trên cơ sở khai thác yếu tố văn hóa, lịch sử, địa lý để kết nối các vùng, cư dân ven biển, trong đó, tập trung đầu tư nâng cao trình độ sản xuất cho ngư dân, phát triển du lịch, dịch vụ vận tải biển, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với QPAN, bảo vệ tài nguyên - môi trường, đảm bảo phát triển bền vững và độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast