'Delilah' - 50 năm vẫn gây tranh cãi

Trận bầu dục giữa tuyển Anh và Xứ Wales tại giải Six Nations hôm 13/3 vừa qua không chỉ gây chú ý rất lớn ở sự máu lửa giữa hai cựu thù mà nó còn liên quan đến… một bài hát. Đó là Delilah, bài hát cổ động của đội tuyển Xứ Wales. Bao nhiêu năm qua, cứ mỗi khi bài hát này vang lên hoặc sắp vang lên, là lại gây tranh cãi nảy lửa.

Tom Jones và đĩa đơn Delilah phát hành năm 1968
Tom Jones và đĩa đơn Delilah phát hành năm 1968

Delilah ra đời nguyên thủy không phải để cổ động thể thao. Nó là một bài hit đưa Tom Jones trở thành ngôi sao sáng chói trên bầu trời âm nhạc. Nhưng gần 50 năm qua nó đã gặp không ít phiền phức.

Bài hát làm lạnh gáy

Delilah xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1968 qua giọng hát của Tom Jones, chàng ca sĩ người xứ Wales đang rất được chú ý tại Anh quốc khi đó. Vào tháng 2/1968 ấy, khi single Delilah được phát hành nó đã gây sốt khắp châu Âu và không lâu sau đó lan sang cả Mỹ.

Tom Jones đã hát rất hay với quãng cao trên nền giai điệu khá du dương nhưng hơi giọng lại dồn dập như bị thúc đuổi, vừa sợ hãi vừa nghẹn ngào vừa như thể mất lý trí.

Trong bài hát Tom Jones đóng vai một gã đàn ông bị người tình phản bội. Gã đàn ông đã theo dõi người tình và phát hiện cả hai đang tằng tịu và in bóng trên vách ngay trên cửa sổ căn phòng cô gái. Đợi gã nhân tình ra về, gã đàn ông ngay lập tức gõ cửa nhà người yêu.

Cửa mở, cô gái đứng đó và nở nụ cười. Đúng lúc này câu hát quan trọng nhất trong bài bật lên “I felt the knife in my hand and she laughed no more” (Tôi cảm giác như có dao trong tay và cô ấy đã không còn cười được nữa).

Kết cục cô gái chết và gã đàn ông trong nỗi buồn vô hạn đã nhận ra mình đánh mất hết lý trí. Gã quỳ xuống và cầu xin người yêu tha thứ. Nhưng đã quá muộn, tình yêu của gã đã chết và cánh cửa đã bật tung, cảnh sát lao vào và lôi gã ra khỏi nhà.

Và lúc ấy đoạn điệp khúc cứ văng vẳng ngân lên kéo dài mãi “My, my, my, Delilah/Why, why, why, Delilah” (Delilah của anh, tại sao lại như vậy?).

Cả làng nhạc gần như dậy sóng. Báo chí mô tả bài hát làm người nghe lạnh gáy. Một loạt báo chê bài Delilah tơi tả nhưng cũng rất nhiều tờ đánh giá đây là một bài hát tích cực bởi “câu chuyện về sự phản bội và kết cục đau lòng của nó đều đầy rẫy trong cuộc sống”.

Delilah có thật?

Chính vì quá nổi tiếng nên bỗng nhiên cái tên Delilah rất được chú ý.

Bài hát này phần nhạc được sáng tác bởi Les Reed và phần lời thuộc về Barry Mason. Đây là một cặp sáng tác rất nổi tiếng, đứng sau nhiều bài hát huyền thoại như Here It Comes Again, The Last Waltz hay Kiss Me Goodbye…

Delilah, theo như lời kể của Barry Mason là một kỷ niệm của bản thân khi ông mới chỉ vừa 15 tuổi và tình cờ quen một cô gái khi ông cùng gia đình đi du lịch tại Blackpool (Anh quốc). Vài ngày quen biết và nô giỡn cùng nhau, cả hai dường như có một tình cảm rất đặc biệt và Barry hy vọng họ tiếp tục nuôi lớn mối quan hệ này.

Nhưng ngày cuối cùng trước khi chia tay, cô gái bỗng thú thật với Barry rằng cô đã có bạn trai và mối quan hệ giữa cô và Barry sẽ chấm dứt. “Tôi đau đớn, ghen tuông và gần như cả đời mình tôi không thể quên được cô ấy”, Barry nhớ lại.

Và gần 10 năm sau, khi cùng Les Reed khởi sự viết ca khúc mới, Barry mới nhớ lại câu chuyện này và nó trở thành cảm hứng để ông viết phần lời gây sốc nói trên.

Vậy Delilah là có thật? “Đúng, nhưng cô ấy tên thật là Delia, sống ở vùng Llandudno, phía Bắc xứ Wales”, Barry kể lại với tờ The Sun vào năm 2001.

Và lập tức ngay sau đó, tờ The Sun mở chiến dịch đi tìm cô gái Delia vùng Llandudno và sẵn sàng trả nhiều tiền cho bất cứ ai cung cấp thông tin hữu ích. Ngày qua ngày, tình hình chẳng mấy tiến triển cho đến một hôm có một cuộc gọi đến tòa soạn The Sun, và tự giới thiệu “Tôi là Sylvan Mason, vợ cũ của Barry và tôi khẳng định chẳng có Delia nào là cảm hứng bài hát đó”.

Tìm hiểu kỹ hóa ra Sylvan là vợ cũ của Barry và bà đã cùng sáng tác bài này với ê kíp Les Reed và Barry Manson. “Bài hát đã sáng tác trong vòng 2 giờ với cảm hứng từ vở nhạc kịch Carmen Jones”, Sylvan chắc nịch.

Cấm hay không cấm?

Có một điều lạ lùng là cho dù có rất nhiều ý kiến trái ngược nhưng Delilah vãn luôn là bài hát được yêu thích qua mọi thời. Đây là bài hát được cover rất nhiều và xuất hiện ở mọi nơi, từ event quảng cáo cho đến đám cưới, hội nghị hay picnic… Ở Việt Nam nó cũng từng rất nổi qua phần lời Việt ngữ, Giết người yêu dấu, của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Bài hát này hay đến mức là cho dù đã có bài nhạc hiệu chính thức nhưng đội tuyển bầu dục Xứ Wales vẫn quyết định xem nó như là bản chính thức số 2. Bất cứ khi nào thi đấu cả cầu trường đều vang lên câu hát “My, my, my Delilah” và nó có tác dụng như thuốc kích thích khiến các vận động viên thi đấu lăn xả hơn.

Năm 1999, bài hát này càng được xem trọng hơn khi Tom Jones hát bài này trước 70 nghìn khán giả trước trận đấu giữa Xứ Wales và tuyển Anh và sau đó lần đầu tiên đội tuyển Anh ra về thua cuộc.

Nhưng sau đó, bài hát đã trở thành một trận chiến truyền thông khi nhiều ý kiến cho rằng có nên đưa Delilah trở thành bài nhạc cho tuyển quốc gia khi ý nghĩa đích thực của nó lại khá bi thảm và mang đầy tính bạo lực với phụ nữ.

Cuộc chiến dai dẳng đến 15 năm thì lên đến đỉnh điểm với lời tuyên bố của Dafydd Iwan, nguyên chủ tịch đảng xã hội Plaid Cymru, rằng đã đến lúc các cổ động viên nên ngưng hát Delilah bởi bài hát tầm thường ấy mang mầm mống cổ vũ ý tưởng sát hại phụ nữ.

Đến lúc này thì Tom Jones quyết định lên tiếng khi cho rằng ông chủ tịch chỉ thích hiểu nghĩa đen khi bài hát mang thêm nhiều ý nghĩa tích cực khác. Liên đoàn bầu dục Xứ Wales sau đó cũng nhún vai lắc đầu trước lời đề nghị của ông cựu chủ tịch.

Hai năm sau, ngay trước trận Xứ Wales gặp Anh hôm 13/3, một người khác, lần này là ông nghị Chris Bryant, một lần nữa đề nghị dẹp bài này ra khỏi các trận đấu của đội tuyển quốc gia.

“15 năm tôi ngồi nghị trường và chứng kiến các vụ trọng án gia tăng, trong đó, có khá nhiều vụ đàn ông đã sát hại cả vợ và người tình. Đất nước chúng ta gần đây tăng 23% vụ bạo lực gia đình và tôi nghĩ những bài hát như Delilah nên cần dẹp bỏ bởi nó mang tính ảnh hưởng rất cao”.

Nhưng lần này không may cho Chris Bryant khi rất nhiều người đã gửi thư phản đối. Họ nói rằng thay vì cấm bài hát chính quyền nên hạn chế đàn ông uống bia rượu bởi đó mới là nguyên nhân của bạo lực.

Và cuối cùng thì bài hát vẫn được hát như 50 năm qua...

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast