Mong ước kỷ niệm xưa - lưu luyến mãi ký ức tuổi học trò

(Baohatinh.vn) - Ai đó đã từng nói: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Phải chăng là vậy khi ngay trong lúc này, giai điệu da diết trong ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” của nhạc sĩ Xuân Phương lại vang lên, gợi trong người nghe hồi ức ngọt ngào về một thuở đã xa.

mong uoc ky niem xua luu luyen mai ky uc tuoi hoc tro

Quãng thời gian đẹp và có nhiều kỷ niệm nhất trong mỗi con người có lẽ là khi còn ngồi trên ghế nhà trường. (Ảnh minh họa từ internet)

Là nhạc phim truyền hình trong bộ phim “Xin hãy tin em!” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải cách đây hơn 20 năm, nhưng “Mong ước kỷ niệm xưa” đã trở thành ca khúc bất hủ và nổi tiếng nhất với nhiều thế hệ học sinh - sinh viên Việt Nam.

Suốt nhiều năm, với ca từ giản dị, gần gũi cùng giai điệu da diết, ngọt ngào, ca khúc này vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn đánh dấu thời khắc quan trọng trong cuộc đời của mỗi học sinh - lễ tốt nghiệp.

“… Thời gian trôi qua mau

Chỉ còn lại những kỷ niệm

Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô

Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn

Để rồi mai chia xa, lòng chợt dâng niềm thiết tha

Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…”

Quãng thời gian đẹp và có nhiều kỷ niệm nhất trong mỗi con người có lẽ là khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nào những tà áo trắng tung bay giữa phố, nào phấn, bảng, sách, vở rồi những tiếng giảng bài của thầy cô, những trò nghịch ngợm “nhất quỷ, nhì ma”, tiếng trống trường, tiếng gọi nhau í ới sau giờ học… Tất cả những hình ảnh đó trở thành những kỷ niệm, nhường chỗ cho sự trưởng thành. Lúc này, ta mới thấy luyến tiếc, thấy day dứt vì những gì mới diễn ra ngày hôm qua, nay thoáng chốc chỉ còn kỷ niệm, nháy mắt đã trở thành quá khứ…

Tuổi thanh xuân và những kỷ niệm sẽ chẳng bao giờ lặp lại lần thứ hai. Những câu chuyện còn dang dở, những dự định còn chưa kịp thực hiện, những bài giảng của thầy cô rồi cũng sẽ trôi đi, để lại những luyến tiếc khôn cùng. Mỗi đứa trẻ nghịch ngợm ngày nào rồi cũng thành người lớn, thực hiện những chuyến hành trình mới. Ra trường rồi, thời áo trắng sẽ chỉ còn lại là những kỷ niệm hiện hữu một cách bất chợt trong tâm trí.

Nhiều năm sau nữa, khi đã đủ lớn khôn và trưởng thành giữa dòng đời, đã ngược xuôi với bao cung bậc thăng trầm “hỉ, nộ, ái, ố” tựa như một hợp âm pha tạp những mùi vị của cuộc đời, mỗi người vẫn luôn cảm thấy tâm hồn mình thơ trẻ, hồn nhiên. Xua tan mọi toan tính, ưu tư của cuộc sống thường nhật mỗi khi nghe lại những “giọng nói, tiếng cười”, để được gửi gắm “những nỗi nhớ, niềm thương” của tuổi thanh xuân…

Ước mơ thời gian quay trở lại sẽ chỉ có thể trở thành hiện thực trong xúc cảm của tâm tưởng. Thời gian chẳng chờ đợi ai mà vẫn cứ trôi đi không ngừng, mỗi người cứ vậy mà ngày một trưởng thành, đón nhận thêm nhiều cái mới. Dẫu vậy, kỷ niệm luôn là thứ chẳng hề thay đổi khi ta gặp lại những người bạn cũ, hàn huyên về những câu chuyện “ngày xưa”, nhắc về những khát vọng, đam mê của thời tuổi trẻ, những hồi ức về một thời áo trắng trong trái tim mỗi người.

“…Nếu có ước muốn trong cuộc đời này

Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại

Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm

Để nụ cười còn mãi, lắng trên hàng mi

Trên bờ môi và trong những… kỷ niệm xưa…”.

Những áp lực sách vở, những ngày không thuộc bài cầu mong không bị gọi lên bảng, nụ cười trong veo của cô bạn cùng lớp, những vết mực in hằn trên chiếc áo đồng phục và cả những dòng lưu bút viết vội rồi cũng sẽ trở thành “những hoài niệm, để nụ cười còn mãi, lắng trên hàng mi, trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa” của bất kỳ ai từng trải qua thời áo trắng.

Câu hát “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại” sẽ vẫn tiếp tục ngân vang như thay lời tâm sự ngập tràn hồi ức kỷ niệm của bao thế hệ học trò cuối cấp. Để rồi mỗi dịp phượng nở, ve kêu, từng nhịp phách gõ vào từng ngóc ngách của những ngày xa xưa khiến ai nấy trong chúng ta đều bồi hồi, ngóng vọng về một vùng trời thương nhớ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast