“Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi”

(Baohatinh.vn) - Buổi sáng, khi vừa thức dậy, trái tim tôi phút giây như ngưng lại khi gặp dòng tin của Báo Mới trên màn hình điện thoại: “Nhạc sỹ Thanh Tùng đã tạ thế”! Những thanh âm thường nhật trước hiên nhà buổi sáng hôm ấy đã bị chèn lấp bởi lời ca: Một sớm mai kia chợt thấy hư vô trong đời/ Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi... Những hoài niệm về người nhạc sỹ đến từ miền biển Nha Trang hiền hòa cứ nhập nhòa trở lại trong tôi.

Nhạc sỹ Thanh Tùng. Ảnh: internet

Nhạc sỹ Thanh Tùng. Ảnh: internet

Xa thật rồi gương mặt đàn ông góc cạnh nhưng hiền từ, xa thật rồi giọng nói miền Nam chậm rãi, ấm áp. Trái tim không ngủ yên nay đã yên ngủ. Nhưng hơn bao giờ hết, âm nhạc của ông lại thổn thức không thôi trong trái tim tôi. Giọt nắng bên thềm vắng đã thôi không còn lung linh, không còn bâng khuâng đợi chờ điều gì nữa nhưng hình ảnh người nhạc sỹ trong chiếc áo sơ mi cổ tàu giản dị lại mồn một trước mắt tôi.

Tôi nhớ, lần đầu tiên được nhìn thấy nhạc sỹ Thanh Tùng là trong chương trình “Khách của VTV3” năm 1998. Người nhạc sỹ mà tôi biết qua phần âm nhạc ấn tượng trong các bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa”, “Vĩnh biệt mùa hè” và trong những ca khúc nổi tiếng do ca sỹ Hồng Nhung thể hiện lại xuất hiện trong hình ảnh giản dị mà hào hoa và hiền từ đến thế. Bấy giờ, rất nhiều ca khúc của ông đã trở thành điều không thể thiếu trong đời sống nội tâm của tôi và ức triệu khán thính giả khắp cả nước.

Gia tài âm nhạc của Thanh Tùng không nhiều nhưng rất phổ biến trong thập niên 80, 90 thế kỷ XX. Khi đời sống âm nhạc còn khá đơn điệu thì Thanh Tùng với tài năng của mình đã mang tới những ca khúc pop ballat nhẹ nhàng, sâu lắng hợp với tâm trạng của thanh niên. Những ca khúc của ông như nhạc sỹ Tuấn Khanh nhận xét là làm “biến đổi các nhịp điệu hành khúc buồn chán và đơn điệu trên sân khấu giải trí thành nụ cười và những bàn tay siết chặt nhau, giơ cao đu đưa trong những đêm nhạc ngoài trời”.

Ca khúc ông viết không chỉ là thanh âm riêng tư của tâm tình nhạc sỹ, cũng không chỉ là nơi để những giọng ca như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh... “cất cánh” mà các bài hát do Thanh Tùng sáng tác còn đồng hành trong sự lớn lên của tâm hồn tôi và bè bạn. Từ những hồn nhiên, bâng khuâng, xao xuyến với Hát với chú ve con, Vĩnh biệt mùa hè, Lời tỏ tình của mùa xuân... của thời trung học, chúng tôi đã đi qua những rung động đầu đời, những nỗi buồn trong sáng trong Chuyện tình của biển, Ngôi sao cô đơn, Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Giọt sương trên mí mắt và sau này là những day dứt trong Lối cũ ta về, Một mình, Hoa cúc vàng...

Mười mấy năm nay, khán giả yêu nhạc Thanh Tùng không có cơ hội được gặp gỡ nhạc sỹ trên sân khấu âm nhạc nữa. Sức khỏe của ông ngày càng yếu bởi nhiều căn bệnh quái ác. Một đôi lần, người ta thấy hình ảnh ông trong những lần ghé thăm của phóng viên, tuy ngồi xe lăn, không nói được những ông vẫn rất lịch lãm trong chiếc mũ quen thuộc, áo sơ mi thời thượng và gương mặt đau đáu niềm thiết tha với âm nhạc.

Bây giờ thì đến cả điều đó cũng không còn nữa. Buổi sáng ngày 15/3, dương gian đã trả ông về cõi vĩnh hằng. Sau chuỗi ngày mệt nhọc chiến đấu với bệnh tật, ông đã được đến nơi có người vợ yêu dấu của mình. Nỗi buồn sâu lắng dâng ngập trong tim giới mộ điệu nhưng cũng chính trong thời điểm đó, âm nhạc của ông lại vang lên mạnh mẽ nhất.

Tôi không muốn nói lời vĩnh biệt, bởi tôi biết, người đi xa nhưng người vẫn còn ở lại trong âm nhạc và trong tình yêu…!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast