“Tiến quân ca” trong lòng dân Việt

“Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc…”. Những ca từ, giai điệu hào hùng của bản nhạc bất hủ “Tiến quân ca” mỗi lần được cất lên, người dân Việt, dù ở đâu vẫn trào dâng niềm tự hào.

tien quan ca trong long dan viet

Nhạc sỹ Văn Cao cùng "Tiến quân ca" (ảnh: internet)

Tôi gặp nhà thơ - họa sĩ Văn Thao trong một lần tình cờ tụ tập uống bia hơi cùng bạn bè ở nhà hàng Hồ Tây - Hà Nội. Đang say sưa “thù tạc” thì một người đàn ông hao gầy, râu tóc rậm rì xuất hiện, làm tôi hơi sửng sốt, bất ngờ. Vợ chồng nghệ sĩ Tiến Hợi, người Nghệ, chuyên đóng vai Bác Hồ đứng dậy chào, vồn vã mời ngồi và giới thiệu với chúng tôi: “Nghệ sỹ Văn Thao, con trai cả của bác Văn Cao!”. Tôi chợt ồ lên, thì ra thế. Chẳng trách, nhác trông, tôi đã có sự liên tưởng.

Bia bọt thường lai rai, chuyện hoài không hết. Chúng tôi xoay chủ đề sang tìm hiểu về ca khúc “Tiến quân ca”. Văn Thao vui vẻ vào chuyện: Số là mùa đông năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) vốn là người mê âm nhạc, đã từng vận động Văn Cao viết những bài hát yêu nước như: “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca…”. Lần này, Vũ Quý động viên ông viết một ca khúc cho đội quân Việt Minh. Là người chứng kiến tận mắt nạn đói năm đó, bao người chết thảm thương, xe bò hàng ngày chở nặng những xác chết vì đói ra ngoại thành chôn tập thể, trong lòng Văn Cao trỗi dậy tình cảm đồng loại, căm thù bọn cướp nước và lũ tay sai. Ông nghĩ, phải viết một ca khúc thật hùng tráng, thúc giục mọi người đứng lên cứu mình, cứu nước.

Điều kỳ lạ là những năm này, Văn Cao chưa hề ra trận, chưa biết chiến khu là gì. Thậm chí, tay chưa được sờ vào một khẩu súng. Thế nhưng, với tâm hồn nghệ sĩ, trí tưởng tượng phong phú, từ trên căn gác nhỏ phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) vào một buổi sáng tháng 10/1944, chàng thanh niên Văn Cao thấy mình như đang giương súng, xốc lưỡi lê cùng đoàn quân cách mạng từ chiến khu tiến về đồng bằng giết giặc. Giai điệu hùng tráng “đầy chất nhà binh” được hoà quyện vào những ca từ thôi thúc lòng người dần hiện ra và tác phẩm được đặt tên khai sinh là “Tiến quân ca”, khi tác giả mới bước vào tuổi 21.

“Cha tôi không nhớ rõ mình sáng tác bài này trong bao lâu và bằng nhạc cụ gì. Chỉ biết những người thưởng thức đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Duy và ông Vũ Quý”. Văn Thao nhấp một ngụm bia, mắt nhìn về phía xa xăm, bồi hồi nhớ lại một lần nghe cha mình kể về sự ra đời của bản nhạc. Lần đầu tiên, “Tiến quân ca” được in trang trọng trên báo Độc Lập tháng 11/1944 bằng bản in đá li – tô, do chính tay Văn Cao chép lại.

Trong nền âm nhạc Việt Nam có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu, trở thành “mốc son” của một sự kiện, một giai đoạn lịch sử, đi vào lòng nhiều thế hệ. Chẳng hạn như: “Du kích ca”, “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”, “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Trường ca Sông Lô”… nhưng chưa có ca khúc nào lại nhận được nhiều vinh dự mang tính lịch sử như “Tiến quân ca”. Tháng 8/1945, tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, “Tiến quân ca” được chọn làm bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.

Vinh dự cho tác giả và đứa con tinh thần của mình là chiều 17/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát lớn, trong cuộc mít tinh của công chức Hà Nội, ca khúc “Tiến quân ca” đã vang lên qua tiếng đàn ác-mo-ni-um của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu. Nhắc về sự kiện đáng nhớ này, Văn Cao đã viết: “Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tuôn trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Trong một lúc, những tờ nhạc bướm in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh”.

Sáng 19/8/1945, cũng tại Quảng trường này, bài “Tiến quân ca” được vang lên bởi một dàn đồng ca gồm hàng trăm cháu thiếu niên Thủ đô. Đặc biệt nhất, ngày 2/9/1945, nhạc phẩm “Tiến quân ca” được dàn quân nhạc hòa tấu một cách long trọng cùng lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố cùng thế giới và quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một năm sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp, tháng 1/1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, “Tiến quân ca” chính thức được chọn là Quốc ca Việt Nam. Sau năm 1955, Quốc hội mời nhạc sĩ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời cho hợp với giai đoạn mới của lịch sử, đúng như lời của Quốc ca hiện nay. Cho đến ngày 2/7/1976, sau giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền Bắc - Nam, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời và Quốc ca vẫn là “Tiến quân ca”.

Lúc còn sống, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng đánh giá: “Tiến quân ca” là một trong những bài hùng ca hay nhất của tân nhạc Việt Nam”. Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì khẳng định: “Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc. Ca khúc ấy, được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ, đồng bào đi qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng nâng niu, trân trọng như một báu vật của dân tộc”.

“Tiến quân ca” đã, đang và mãi mãi là biểu tượng của hồn cốt, khí phách dân tộc Việt Nam. Nó sẽ còn tiếp tục được ngân vang, rung động trong trái tim nhiều thế hệ người Việt Nam như một lời hiệu triệu đanh thép: “Tổ quốc này, tác phẩm bất hủ này mãi trường tồn cùng non sông, con dân nước Việt”!

Chủ đề CHÀO MỪNG QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast