Bài 2: Đời sống còn nhiều khó khăn

Chính những bất cập trong việc thực hiện các chế độ chính sách là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới đời sống của giáo viên mầm non ngoài biên chế và đội ngũ cán bộ kế toán, y tế học đường, cô nuôi chưa được cải thiện. Khi các chính sách thực hiện chưa tốt thì nỗi lo cơm áo, sự băn khoăn về lương thưởng và những trăn trở cho tương lai vẫn còn đè nặng lên những người giáo viên đang giảng dạy ở bậc học này…

Trăn trở chuyện thực hiện chế độ, chính sách ở bậc học mầm non

Bài 1: Những chính sách bất cập…

Khổ như giáo viên mầm non

Hiện nay, tỉnh ta vẫn đang còn tới 2.850 người ngoài biên chế, trong đó có 1.981 người đang công tác tại các trường bán công, số còn lại nằm rải rác ở các trường công lập. Do đặc thù công tác nên giáo viên ở bậc học này phải làm việc xuyên trưa với thời gian lên tới 10 – 12 giờ/ngày. Thời gian làm việc nhiều, cường độ lao động lớn, trách nhiệm và rủi ro cao nhưng lương và phụ cấp lại rất thấp.

Dù đã hết giờ làm việc nhưng giáo viên Trường mầm non bán công Trường Sơn (Đức Thọ) vẫn phải đợi phụ huynh đến đón trẻ, chưa thể về nhà

Dù đã hết giờ làm việc nhưng giáo viên Trường mầm non bán công Trường Sơn (Đức Thọ) vẫn phải đợi phụ huynh đến đón trẻ, chưa thể về nhà

Hiện nay, đội ngũ giáo viên chưa biên chế đang được hưởng lương từ 4 nguồn với mức lương bình quân hàng tháng khoảng 1,2 - 1,7 triệu đồng/người tùy thuộc vào từng trường, từng địa địa phương. Ngoài nguồn của tỉnh hỗ trợ ở mức 697 ngàn đồng/người/ tháng (từ ngày 1/5/2012 được nâng lên 882 ngàn đồng) thì các nguồn của huyện, xã và thu từ học phí học sinh đều phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện kinh tế và sự quan tâm của chính quyền, nhân dân từng nơi. Mức lương ở các trường được cào bằng giống nhau, không có sự phân biệt bằng cấp và năm công tác, cũng chẳng có khái niệm được nâng lương theo thời hạn. Ở nhiều trường, việc trả lương hàng tháng cho giáo viên phải thực hiện qua nhiều đợt vì các nguồn chi trả không về cùng một lúc, cá biệt một số thời điểm trả không đủ lương do chậm ngồn….

Khi giáo viên ở các bậc học khác đang được nghỉ hè thì giáo viên Trường mầm non Xuân Hồng (Nghi Xuân) đã phải đến trường chuẩn bị đồ dùng cho năm học mới

Khi giáo viên ở các bậc học khác đang được nghỉ hè thì giáo viên Trường mầm non Xuân Hồng (Nghi Xuân) đã phải đến trường chuẩn bị đồ dùng cho năm học mới

Với mức lương và cách chi trả đó nên đời sống của giáo viên mầm non hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, không đủ trang trải mức sống tối thiểu hàng ngày. Để trang trải cuộc sống thì tất cả giáo viên sau việc trường lớp phải tranh thủ thời gian buổi tối, các ngày nghỉ về lăn lộn với ruộng đồng, chăn nuôi như những người nông dân thực thụ.

Chúng tôi đã có dịp đến tận nhà nhiều đối tượng là giáo viên mầm non ngoài biên chế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều huyện trên địa bàn, ở đâu cũng cảm nhận được những khó khăn, vất vả và ý chí vươn lên, tinh thần yêu nghề mếm trẻ, bám lớp bám trường của họ. Nổi bật lên trong bức tranh nghèo khổ nhưng giàu nghị lực ấy là cô Nguyễn Thị Cảnh – Giáo viên Trường mầm non Thạch Liên (Thạch Hà).

Gần suốt cuộc đời cống hiến công việc và sự nghiệp giáo dục, phải nếm trải bao khó khăn, tủi nhục nhưng đến nay sắp đến tuổi về hưu lương cũng chỉ được 1,6 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian trường lớp, hai vợ chồng quanh năm phải bám vào mấy sào ruộng khoán được mất do trời để kiếm cái ăn, cái mặc và nuôi dạy con cái.

Các cấp công đoàn trao nhà Mái ấm Công đoàn cho cô Nguyễn Thị Cảnh - Giáo viên Trường mầm non Thạch Liên

Các cấp công đoàn trao nhà Mái ấm Công đoàn cho cô Nguyễn Thị Cảnh - Giáo viên Trường mầm non Thạch Liên

Với điểm xuất phát thấp và mức thu nhập đó nên hàng chục năm nay gia đình giáo viên này phải sống trong cảnh ăn nhờ ở tạm. Mãi đến khi đầu đã điểm bạc, con cái đã thành gia thất anh chị mới “được ra ở riêng”, thoát khỏi cảnh ở nhờ. Mái ấm mà anh chị có được là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của hai vợ chồng, sự chung tay góp sức của các cấp công đoàn, bạn bè đồng nghiệp, anh em dòng họ và bà con lối xóm. Những giọt nước mắt trong ngày bàn giao nhà không chỉ là sự cảm động trước những tấm lòng hảo tâm mà nó còn chứa chất bao nỗi gian truân, tủy cực của một nhà giáo đã cống hiến hàng chục năm cho nghề….

Và những người cùng cảnh ngộ

Không chỉ có đội ngũ giáo viên ngoài biên chế mà hàng ngàn cán bộ kế toán, y tế học đường và cô nuôi ở bậc học mầm non cũng đang trong tình trạng bi đát như thế. Theo quy định hiện hành, đội ngũ cán bộ kế toán, y tế học đường ở các trường mầm non được tỉnh hỗ trợ 500 ngàn đồng/người/tháng, các địa phương tùy điều kiện hỗ trợ nhưng không quy định và bắt buộc ở mức hỗ trợ bao nhiêu, cũng không giao cơ quan nào đóng các loại bảo hiểm cho họ nên họ phải đóng 100%. Lương của họ ngoài của tỉnh hỗ trợ thì chủ yếu do các trường tự cân đối từ nguồn học phí để chi trả ở mức khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng, nếu trường nào “thương” và có nguồn thu lớn thì được khoảng 1,5 triệu đồng….

Giờ chơi ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Trường Sơn (Đức Thọ)

Giờ chơi ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Trường Sơn (Đức Thọ)

Do đặc thù của bậc học là chăm sóc, nuôi dưỡng rồi mới tới giáo dục trẻ nên vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cô nuôi là điều không phải bàn cãi. Thế nhưng, những người đang giữ vai trò đảm bảo bữa ăn, sức khỏe, sự phát triển về thể chất của hàng chục ngàn học sinh mẫu giáo hiện không được hưởng bất cứ một loại chế nào. Hiện nay, tùy vào quy mô trường lớp và số cháu mà mỗi mỗi trường mầm non có khoảng từ 3 – 6 cô nuôi do nhà trường tự hợp đồng thời vụ. Họ là những người có trình độ từ trung cấp nấu ăn trở lên và làm việc như các giáo viên đứng lớp nhưng mức lương bình quân hàng tháng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. Nguồn lương nay do các trường trích từ nguồn thu học phí để chi trả, ngoài lương họ không hề có thêm bất cứ một khoản phụ cấp nào, không được đóng bảo hiểm và cũng không được hưởng các loại quyền lợi theo các quy định hiện hành….

Lời kết

Để các chính sách đi vào cuộc sống và đời sống của những người đang công tác ở bậc học mầm non được nâng lên còn cần phải có thời gian và những khó khăn, vướng mắc phải được giải quyết từng bước. Tuy nhiên, để đảm quyền lợi và đời sống cho hàng ngàn cán bộ, giáo viên thì các cấp, các ngành ngay từ bây giờ phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ và hiệu quả.

Vì tương lai con trẻ, trách nhiệm đối với một bậc học và đời sống, tương lai của hàng ngàn cán bộ, giáo viên, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế để có những quyết sách sát đúng, thực hiện có hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với bậc học này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast