Báo động chất lượng ngành “kỹ sư tâm hồn” trong tương lai

Vậy là kỳ thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2011 đã khép lại sau bao thấp thỏm, lo âu và kỳ vọng của hàng triệu thi sinh và phụ huynh cả nước. Dù đạt nguyện vọng hay không thì điều rõ nhất mà ai cũng nhận thấy là kỳ thi này số lượng người thi tăng đột biến (do kết quả kỳ thi tốt nghiệp đạt cao, cơ hội thí sinh được vào phòng thi lớn). Và một điều không thể không thừa nhận là số thí sinh dự thi vào ngành sư phạm ngày càng ít, kể cả 3 khối, đặc biệt là khối C - khối thi lâu nay vẫn thiên về ngành “kỹ sư tâm hồn”.

Kết thúc kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011

Ngành Sư phạm đang mất dần vị thế của mình. Ảnh minh họa

Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng nhìn chung các trường sư phạm trong cả nước, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng thí sinh thi vào ít hơn năm 2010, trừ ngành sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng. Ở Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo và hiếu học vốn xưa nay có đông đảo sĩ tử đầu quân làm nhà giáo tương lai nay cũng vắng hẳn. Ông Phan Đình Lai - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết: Năm 2011, số hồ sơ đăng ký thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội I là 86, Đại học sư phạm Hà Nội 2 là 4; đại học sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên 6; đại học sư phạm thuộc Đại học Huế 536; Sư phạm Đà Nẵng (thuộc Đại học Đà Nẵng) 154; Đại học sư phạm Vinh 964, Đại học Hà Tĩnh 1204... Tổng số thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm là gần 4000/ 42.000 TS của cả tỉnh đăng ký dự thi ĐH- CĐ. So với năm 2010, số thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm trong cả nước ở Hà Tĩnh giảm từ 10-20% tùy từng trường cụ thể. Nếu trừ đi số thí sinh “ảo” trong kỳ thi vừa qua thì con số trên còn thấp hơn khoảng 20%. Chính vì vậy, tại nhiều điểm thi khối C ở thành phố Vinh vừa qua, hầu như rất ít thí sinh dự thi chính thức vào ngành Sư phạm mà chủ yếu là Luật, Báo chí, Hành chính, Công đoàn…

Báo động chất lượng ngành “kỹ sư tâm hồn” trong tương lai ảnh 2
Báo động chất lượng ngành “kỹ sư tâm hồn” trong tương lai. Ảnh minh họa

Về chất lượng cũng tỷ lệ thuận với số lượng. Lớp chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Tĩnh là lớp “đầu bảng” về học sinh giỏi tỉnh và Quốc gia với 13/33 em đạt giải quốc gia của 3 môn Văn, Sử, Địa, trong đó có 2 em giải nhất các môn Văn, Địa và 5 em giải nhì các môn Văn, Sử, Địa nhưng chỉ có 1 em đăng ký thi vào ngành sư phạm. Ngay cả với những em hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng không chọn ngành sư phạm để đỡ tiền học phí như truớc đây các gia đình ở Hà Tĩnh thường chọn. Các nữ sinh vốn thích hợp với ngành Sư phạm nay cũng không đăng ký dự thi. Những gia đình có truyền thống mấy đời dạy học cũng đang thay đổi quan niệm nghề nghiệp với con cháu. Ngay cả một số thầy cô giáo đang giảng dạy ở các trường cũng khuyên những học trò xuất sắc của mình nên cân nhắc khi thi vào sư phạm. Lý do chính là ngành sư phạm thu nhập thấp, khó khăn về tuyển dụng do số lượng trong biên chế còn dư thừa nhiều, đặc biệt là giáo viên Văn, Toán, trong khi đó áp lực nghề nghiệp với nhà giáo không hề nhỏ so với một số ngành nghề khác.

Ngành sư phạm là ngành đào tạo con người, như người ta thường nói là kỹ sư tâm hồn. Vậy nhưng với thực tế đó, trong vòng 5-10 năm tới, khi những lớp giáo viên kỳ cựu trong ngành nghỉ chế độ, chúng ta lấy đâu ra một lực lượng trẻ, khỏe, năng động và giỏi giang có thể đảm đương sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Việc thí sinh đầu quân vào ngành sư phạm ngày càng thưa vắng không phải là chuyện lạ trong những mùa thi gần đây nhưng từ mùa thi năm nay, thêm một lần nữa chúng ta cần xem lại chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút nhân tài với ngành sư phạm cũng như công tác quy hoạch các khoa, trường đại học sư phạm, việc đổi mới công tác tổ chức của ngành. Đây là bài toán mà chỉ ngành Giáo dục không thôi thì chưa thể giải được. Cần sự nghiên cứu, quan tâm, có chiến lược lâu dài của Đảng và Chính phủ, để ngành nghề đào tạo con người được trả về vị trí quan trọng của nó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước nhà trong công cuộc đổi mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast