Bộ GD&ĐT “bật mí” cách xác định điểm sàn

Với mức điểm sàn 13 điểm cho các khối A, A1, C, D và 14 điểm cho khối B, cả nước có khoảng 650.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, đồng nghĩa với đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 là 350.000 sinh viên.

Như vậy, số thí sinh trên sàn gần gấp đôi chỉ tiêu, là nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga công bố tại buổi họp báo sáng nay, ngày 8/8.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Đại học Ngoại thương, Hà Nội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Đại học Ngoại thương, Hà Nội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thay đổi cách xác định điểm sàn

Cũng theo Thứ trưởng Ga, năm nay Bộ có thay đổi trong cách xác định điểm sàn. Cụ thể, Bộ không tính tổng thể các thí sinh dự thi mà chỉ tính những thí sinh đã dự thi đủ ba môn của đợt thi. Theo đó, có trên 1 triệu thí sinh thi đủ ba môn.

Việc xác định lượng thí sinh trên, dưới điểm sàn cũng tính tương đối bằng tỷ lệ phần trăm thay vì tính số lượng tuyệt đối như những năm trước.

Theo đó, trong số trên một triệu thí sinh dự thi đủ ba môn, ở từng khối, Bộ xác định mức điểm số mà 50% thí sinh đạt được, gọi là điểm trung vị.

Điểm sàn thấp nhất được xác định bằng điểm trung vị trừ đi 0,5 điểm. Đây là mức điểm mà trên 60% thí sinh đạt được. Mức đảm bảo chất lượng thứ hai được xác định bằng điểm trung vị cộng thêm 0,5 điểm, cao hơn mức thấp nhất 1 điểm.

Mức điểm cao nhất chỉ khoảng 20 -30% thí sinh đạt được, cao hơn mức điểm thấp nhất tới 3 điểm.

Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt 13 năm tổ chức thi ba chung, Bộ Giáo dục và Đạo xác định tới 3 mức điểm sàn ở bậc đại học thay vì một mức duy nhất như mọi năm.

Với cao đẳng, Bộ vẫn duy trì một điểm sàn là 10 điểm với các khối A, A1, C, D và 11 điểm với khối B. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có trên 80% thí sinh thi cao đẳng đạt được mức điểm này.

Với các ngành học có xác định môn chính để nhân hệ số 2 thì điểm sàn được xác định bằng điểm sàn khối tương ứng chia cho ba, sau đó nhân với bốn. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với cách xác định này, những thí sinh có điểm thi môn chính cao sẽ có lợi thế.

Các trường cân nhắc khi xác định điểm chuẩn

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc Bộ phân ra làm ba mức điểm sàn khác nhau nhằm phân khúc nguồn tuyển. Các trường nhóm trên chọn mức điểm cao nhất, trường trung bình chọn mức 2 và trường đang phát triển, chưa có sức hút chọn mức thấp nhất.

Thí sinh dự thi môn Vẽ vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thí sinh dự thi môn Vẽ vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Phân tích cụ thể hơn lý do để phân nhiều mức điểm sàn, Thứ trưởng Ga cho hay, mọi năm, khi chỉ có một mức điểm sàn đã xảy ra tình trạng các trường nhóm trung bình vẫn để điểm chuẩn rất thấp nhằm tạo sự an toàn cho mình trong việc đảm bảo số lượng tuyển sinh. Việc này gây rủi ro cho thí sinh, nhất là ở nguyện vọng 2, 3, và gây cạn nguồn tuyển cho các trường nhóm dưới.

Năm nay, với ba mức sàn, các trường sẽ phải cân nhắc vì chọn điểm chuẩn ở mức nào sẽ khẳng định chất lượng, thương hiệu của trường ở mức tương ứng. Hoặc là trường lấy điểm chuẩn thấp, đảm bảo số lượng thí sinh nhưng hạ uy tín, hoặc là chọn uy tín để tạo thương hiệu, thu hút thí sinh chất lượng ở những năm tiếp theo.

“Bộ đang xây dựng các tiêu chí để xếp loại, phân tầng trường đại học, trong đó có tiêu chí về chất lượng đầu vào. Vì thế, các trường phải hết sức cân nhắc, có tính toán cụ thể, không chạy theo số lượng,” ông Ga nói./.

Theo vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast