Cần nâng cao “văn hoá đọc” ở lứa tuổi thanh - thiếu niên

Hiện nay, việc đọc dường như đã trở nên quá “xa lạ” đối với phần đông lứa tuổi thanh – thiếu niên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển, hoàn thiện nhân cách cũng như mọi mặt đời sống của các em.

Các em học sinh chọn sách tại cửa hàng sách siêu thị Copmart Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Phương
Các em học sinh chọn sách tại cửa hàng sách siêu thị Copmart Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Phương

Đọc là một hoạt động cần thiết trong đời sống, trong quá trình giao tiếp của con người. Từ hoạt động này, con người được mở rộng nhận thức, nâng cao trình độ hiểu biết và góp phần hoàn thiện đời sống của mỗi cá nhân. Lênin đã dạy rằng: “Không có sách, không có tri thức/Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” . Thế nhưng, trong thời đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá với nền kinh tế thị trường như hiện nay, khi mà “văn hóa nghe – nhìn” đang bùng nổ như vũ bão thì việc đọc dường như đang trở nên “xa lạ” với chúng ta, nhất là giới trẻ, lứa tuổi thanh – thiếu niên.

Văn hoá đọc là một khái niệm thể hiện thái độ ứng xử và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội gồm ba thành phần: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba điều ấy được xây dựng và phát triển suốt cuộc đời mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, còn trong quá trình học tập, thầy cô giáo sẽ hướng dẫn các kỹ năng đọc cho các em. Đặc biệt mỗi cá nhân phải tự phát hiện ra sở thích đọc của chính họ và tự hoàn thiện kĩ năng đọc của mình.

Thực tế cho thấy rằng, thay vào việc đọc, phần đông giới trẻ ngày nay dường như tập trung sự quan tâm, chú ý của mình vào truyền hình, vào internet…Các em đọc nhanh, đọc vội và chỉ chăm chăm theo dõi những thông tin nóng, những hiện tượng “hot”, những yếu tố tiêu cực trong đời sống… Phải chăng đấy chính là lối tiếp cận thông tin theo hướng “mỳ ăn liền” mà chúng ta thường thấy ở lớp trẻ?

Thiết nghĩ, ở lứa tuổi thanh – thiếu niên, hoạt động này lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi đây là giai đoạn các em khám phá thế giới, hoàn thiện nhân cách, trưởng thành về thế giới quan, nhân sinh quan. Đọc sẽ trang bị, cung cấp cho các em kỹ năng, hành trang trong cuộc sống. Khi ta đọc, khi ta tiếp cận thực sự với một bài báo, một tác phẩm văn học cụ thể hay một công trình nghiên cứu khoa học nào đó, sẽ “ngộ” ra được bao điều trong bức tranh muôn màu của đời sống xã hội, sẽ suy ngẫm, từ đó có cái nhìn toàn diện, đa chiều đối với một vấn đề cụ thể.

"Thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút lý thú". (Môngtexkiơ). Ảnh: TP
"Thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút lý thú". (Môngtexkiơ). Ảnh: TP

Đọc là một yếu tố quan trọng, nhưng cần có sự định hướng, chọn lọc, cần bỏ qua những thông tin sai lệch, phản văn hoá… để tránh rơi vào cái nhìn một chiều, lệch lạc. Như vậy, đọc cái gì? và đọc như thế nào? cũng là một bài toán đối với các em.

Hy vọng, bằng sự chung tay của toàn xã hội, nhất là các nhà trường, và đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân các em, “văn hoá đọc” sẽ có bước tiến mới với một môi trường văn minh, lành mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast